Nên lựa chọn một số khâu đột phá
Phát biểu khai mạc, ông Lê Sơn Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác dân tộc và việc xây dựng Dự án Luật Dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, Hiến pháp 2013 đã bổ sung nhiều quy định cụ thể về lĩnh vực dân tộc. Tuy nhiên lại chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào ở tầm luật thể chế một cách đầy đủ, toàn diện, thống nhất các chủ trương của Đảng và các quy định của Hiến pháp về lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc.
Do đó, việc xây dựng và ban hành luật về công tác dân tộc là cần thiết, nhằm thể chế hóa một cách đầy đủ, toàn diện, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và các quy định của Hiến pháp về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; tạo cơ sở pháp lý để đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình.
Ông Dương Bạch Long (Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp) cho biết, trong việc thực thi chính sách dân tộc còn nhiều “khiếm khuyết” như nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu sự gắn kết, thiếu tính khả thi, tính dự báo thấp…
Xây dựng Luật Dân tộc sẽ “tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số phát huy nội lực để phát triển”, tuy nhiên ông Long cho rằng thời gian tới cần tăng cường chất lượng quản lý công tác dân tộc; đổi mới công tác dân tộc, trong đó lựa chọn một số khâu đột phá trong hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc; kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến cơ sở; cơ cấu lại và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số…
Góp phần cải thiện đời sống đồng bào
Đồng tình với việc xây dựng Luật Dân tộc là cần thiết, bà Lương Thị Trường, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững phân tích thêm, hiện ở Việt Nam có 5 nhóm yếu thế dễ bị tổn thương đó là người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số. Trong đó, chỉ có riêng người dân tộc thiểu số chưa có luật cho riêng mình.
Vì vậy, Luật Dân tộc sẽ giúp tăng cường sự tham gia của người dân tộc thiểu số trong hoạch định và thực hiện chính sách phát triển nói chung và cho người dân tộc thiểu số nóiriêng. Luật này cũng cải thiện tình trạng chính sách phân tán, là công cụ thực hiện việc quản lý nhà nước về dân tộc, là cơ sở để thực hiện việc giám sát các chính sách dân tộc.
Đặc biệt, theo bà Trường: “Luật cần có những quy định để các cơ quan nhà nước có những biện pháp bảo đảm cuộc sống và quyền cho người dân tộc thiểu số, nhất là các quyền và nhu cầu đặc biệt của những người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em và người tàn tật dân tộc thiểu số”.
Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất cần có những quy định hết sức cụ thể ngay trong luật để khắc phục những bất cập trong chính sách dân tộc hiện nay, và quan trọng là cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Dự thảo Luật cũng nên có quy định về phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
Theo ông Bùi Văn Lịch, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc (Ủy ban Dân tộc) đề nghị cần làm rõ khái niệm về chính sách dân tộc cũng như chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số.
“Không nên có chuyện 53 dân tộc có 53 chính sách, nhưng quan trọng là việc tổ chức thực hiện chính sách để không bị phân tán nguồn lực”, ông Lịch nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, chỉ nên có 3 tiêu chí xác định thành phần dân tộc và cần khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí xác định vấn đề này để đảm bảo tính minh bạch.
Thứ trưởng Lê Sơn Hải nhấn mạnh, công tác dân tộc là của cả hệ thống chính trị, không riêng Ủy ban Dân tộc nên khi xây dựng luật cần hội tụ ý chí của các cấp, ngành; cần lắng nghe, tiếp thu các ý kiến chất lượng để xây dựng Luật Dân tộc phù hợp, có tính dự báo cao, có sức sống lâu dài. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm xây dựng những chính sách mang tính trụ cột để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.