Cần chấm dứt tình trạng 'một người 'đại diện' cả gia đình'

(PLO) - Một thực tế trong bầu cử khiến kết quả bầu cử không phản ánh đúng với thực chất được nhiều chuyên gia và cả đại biểu Quốc hội cảnh báo là tình trạng “bầu hộ, bầu thay” mà nguyên nhân xuất phát cả từ cử tri và công tác tổ chức bầu cử.
Cần chấm dứt tình trạng 'một người 'đại diện' cả gia đình'

Vì thành tích nên bỏ cả “nắm” phiếu

Qua khảo sát người dân do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và tổ chức Oxfam tiến hành từ tháng 1 – 3/2015 ở 3 tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận cho thấy, tình trạng đi bầu thay, tức là một người trong gia đình bỏ phiếu thay cho tất cả những người khác trong gia đình, rất phổ biến.

Cũng tiến hành một nghiên cứu tương tự ở 3 tỉnh Thái Nguyên, Bình Định, Vĩnh Long, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (thuộc Hội Khuyến khích và Hỗ trợ giáo dục Việt Nam) nhận được kết quả 1/3 số người được hỏi nói họ không tự đi bầu mà nhờ người khác bầu hộ.

Nhiều chuyên gia và cử tri cũng thừa nhận việc một người “đại diện cho cả gia đình cầm cả nắm phiếu bỏ vào thùng” là không hiếm. Vấn đề không chỉ là thả phiếu vào thùng mà trước đó là quy trình chọn lựa giữ hay bỏ tên đại biểu nào trên lá phiếu. Nếu một người trực tiếp đi bỏ phiếu, người đó sẽ tự quyết định đại biểu được mình tín nhiệm vào cơ quan dân cử trong số những người được giới thiệu ứng cử có tên trên lá phiếu của cử tri.

Nhưng khi một cử tri cầm một lá phiếu đại biểu Quốc hội tối thiểu có 5 đại biểu, 3 lá phiếu của HĐND tối thiểu có 7 - 8 đại biểu, như vậy, người đó phải cầm 4 lá phiếu với tổng số khoảng 30 ứng cử viên, chưa kể họ bầu cho cả gia đình, có khi họ cầm phiếu của 4 – 5 người trong gia đình thì nhân lên cứ khoảng 150 người.

“Họ cầm một nắm phiếu, gạch một lúc mà không thể có khả năng lựa chọn được. Người được cử tri này và những cử tri mà người đó đi bầu thay chọn là hoàn toàn may rủi. Như vậy rõ ràng kết quả không chính xác” – ông Phạm Đức Châu (đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) nhận xét.

Vấn đề nhức nhối này rất khó kiểm soát dưới áp lực “đạt chỉ tiêu 100% cử tri đi bỏ phiếu” - nhóm nghiên cứu chỉ ra. Thực tế như ông Phạm Đức Châu phản ánh: “ở xã nhiều khi muốn cho nhanh, muốn bầu cử cho tốt lấy thành tích, cứ phát ào ào và cầm một lúc, phiếu không thể chính xác được”.

Từ góc nhìn của một chuyên gia pháp luật và một cử tri, tọa đàm về báo cáo “Giữa uy tín và cơ cấu: Sự tham gia của người dân và bầu cử tại địa phương ở Việt Nam” (do UNDP và Oxfam nghiên cứu) tại Hà Nội, PGS.TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cũng đồng tình và cho rằng đang có tình trạng chạy theo số liệu, thành tích, người được bầu phải đạt được 80 – 90% số phiếu nên tình trạng bầu thay là đương nhiên.

“Đả thông” tư duy bầu cử chỉ là nghĩa vụ

Những kỳ bầu cử gần đây, ở nhiều địa phương, với nhận thức về vai trò bầu cử của cử tri ngày càng được nâng cao, tình trạng “bầu hộ, bầu thay” có được kiểm soát và dần giảm. Song, qua kết quả các khảo sát, dù chỉ tiến hành ở 3 địa phương và không hoàn toàn phản ánh tình trạng chung, cho thấy việc bầu hộ, bầu thay là có, nên cần có giải pháp để khắc phục trong cuộc bầu cử sắp tới.

Trước hết là việc số ứng cử viên quá đông trên một lá phiếu cũng khiến cử tri “nản”. Như ví dụ đã dẫn, việc không nắm được hết về ứng cử viên khiến cử tri không nhiệt tình đi bầu vì cho rằng việc “bầu bán chỉ là hình thức”. Đây là vấn đề cần được “đả thông” trong quá trình vận động tranh cử cũng như tuyên truyền về bầu cử để cử tri hiểu được những thông tin cơ bản về các ứng cử viên và thay vì coi bầu cử chỉ là nghĩa vụ, cử tri sẽ nhận thức rõ bầu cử là quyền và nghĩa vụ của mình.

Lường trước tình trạng “bầu hộ, bầu thay”, nhiều chuyên gia pháp lý đề nghị, trong trình tự bầu cử cần quy định mỗi cử tri chỉ được cầm một lá phiếu cho mỗi cấp, không phát phiếu của cả gia đình cho một cử tri. Còn theo ông Đinh Xuân Thảo, để đảm bảo thực chất của kết quả bầu cử phản ánh sự lựa chọn của cử tri, “Cần chấm dứt việc bầu cử thay để đảm bảo bầu cử là thực chất. Đừng để tình trạng công bố tới 99% cử tri đi bầu nhưng thực ra một gia đình 5-6 người chỉ có một người đi bầu hộ cho tất cả”.

Thậm chí, ông Đỗ Văn Đương (Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) còn yêu cầu có quy định khi đi bầu cử, cử tri phải xuất trình thẻ cử tri và giấy chứng minh, hoặc giấy tờ tùy thân khác để kiểm soát việc đi bầu thay.

Hiện trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND không đề cập đến vấn đề cấm đi bầu thay dù khi góp ý vào Luật, có ý kiến đề nghị luật hóa việc chống bầu thay để mỗi cử tri bày tỏ ý chí trong việc lựa chọn đại biểu, thể hiện tính khách quan của kết quả bầu cử. Do đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ nhấn mạnh: “Không có biện pháp giám sát thì khó kiểm soát tình trạng bầu hộ, bầu thay”.

Khuyến nghị cho Việt Nam để có được cuộc bầu cử đạt kết quả như mong muốn, bà Louise Chamberlain - đại diện UNDP tại Việt Nam thấy cần tăng cường hơn nữa nhận thức của người dân về bầu cử và quyền “mỗi người một phiếu” trong bầu cử các cấp để tình trạng bầu hộ, bầu thay không còn diễn ra nên công tác tuyên truyền về bầu cử cần giúp cử tri hiểu đúng và đủ các quy định về nguyên tắc bỏ phiếu được quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân: Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân. Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì được nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử. 

Đọc thêm