Tạo điều kiện nhưng vẫn phải quản lý được hoạt động xuất, nhập cảnh

(PLVN) - Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã nêu quan điểm như vậy khi chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn thẩm định diễn ra chiều 10/4 với đề nghị xây dựng dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Tạo thuận lợi cho khách du lịch nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất, nhập cảnh (Bộ Công an) Nguyễn Văn Thống nêu bật sự cần thiết sửa đổi, bổ sung đối với Luật này. Trong đó có việc nhiệm vụ mà Quốc hội đã quyết định là kéo dài thời gian thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam tối đa là 2 năm, kể từ ngày 1/2/2019 sau những kết quả tích cực đạt được qua 2 năm triển khai thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử. Quốc hội cũng giao Chính phủ khẩn trương tổng kết việc thi hành Luật, sớm trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung, bảo đảm Luật có hiệu lực trước ngày 1/2/2021.


Ngoài sửa đổi, bổ sung để áp dụng chính thức chính sách cấp thị thực điện tử, theo ông Thống, Luật hiện hành quy định người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư. Thị thực cấp cho nhà đầu tư nước ngoài ký hiệu ĐT có thời hạn đến 5 năm. Quy định trên nhằm ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và để phù hợp với Luật Đầu tư, song quá trình thực hiện đã phát hiện nhiều người nước ngoài lợi dụng quy định này, với phương thức chỉ góp số vốn nhỏ vào doanh nghiệp (dưới 10 triệu đồng) để xin cấp thẻ tạm trú có thời hạn đến 5 năm nhằm hợp thức việc ở lại lâu dài tại Việt Nam. 

Đề nghị sửa đổi Luật đề xuất quy định mức đầu tư tối thiểu để được cấp thị thực, thẻ tạm trú dài hạn (500 triệu đồng). Mức vốn đầu tư tối thiểu này được xác định trên cơ sở rà soát, đánh giá, tổng kết thực tiễn và cân đối giữa lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài với yêu cầu quản lý nhà nước đối với việc xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ Công an cũng đề nghị bổ sung chính sách kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động đối với người nước ngoài, để tạo sự thống nhất trong công tác quản lý xuất nhập cảnh. 

Bộ Công an cũng đề xuất bỏ quy định về điều kiện thời gian tối thiểu tính từ lần xuất cảnh gần nhất đối với người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực. Bởi quy định hiện hành về điều kiện “phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày” đang gây vướng mắc đối với người nước ngoài đơn phương miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam du lịch sau đó sang nước thứ ba rồi quay lại Việt Nam tiếp tục du lịch, cần tháo gỡ tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực.  

Phân biệt rõ mục đích đầu tư và nhập cảnh

Các chính sách được đưa ra của Bộ Công an đã nhận được sự quan tâm, góp ý sôi nổi của các thành viên Hội đồng. Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh – Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng, việc kiểm soát điện tử chỉ là quy trình nghiệp vụ, không phải là chính sách để thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Liên quan đến trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, đề nghị sửa đổi có bổ sung theo hướng kiểm soát xuất nhập cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu quốc tế do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định của pháp luật, cấp, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thị thực, cấp chứng nhận tạm trú theo quy định của Luật. Tuy nhiên, ông Hạnh lý giải, cửa khẩu không chỉ có cửa khẩu quốc tế mà còn có cửa khẩu song phương, cửa khẩu chính nên cần quy định chung là cửa khẩu để tránh sót, thiếu. 

Nhiều ý kiến tập trung vào mức đầu tư tối thiểu để được cấp thị thực, thẻ tạm trú dài hạn. Đại diện Bộ Ngoại giao băn khoăn mức đầu tư tối thiểu đã phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài của ta hay chưa? Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì đồng tình với chính sách này nhưng yêu cầu cần phân tích rõ tại sao đây là mức bảo đảm cân đối lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư để Quốc hội có thêm cơ sở xem xét thông qua. Q.Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hữu Huyên lại thẳng thắn, mức đầu tư tối thiểu không phải là một số tiền quá lớn trong bối cảnh hiện nay…  

Trước ý kiến một thành viên cho rằng cấp thị thực điện tử không phải là chính sách mà chỉ là cách thức thực hiện cấp thị thực, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc quan niệm, cấp thị thực điện tử có quy định điều kiện đi kèm nên trong đó chứa chính sách. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng quyền tự do đi lại, cư trú của công dân là quyền có điều kiện, bởi vậy việc cấp thị thực điện tử vừa tạo thuận lợi cho người nước ngoài xuất, nhập cảnh vừa phải bảo đảm mục tiêu quản lý hoạt động này.


Bàn về mức đầu tư tối thiểu, theo Thứ trưởng, nhập cảnh và đầu tư có những mục đích riêng của từng hoạt động. “Nếu dựa vào các lĩnh vực để quy định mục tiêu quản lý hoạt động xuất, nhập cảnh thì tôi có cảm giác không đạt được mục đích. Ở đây, cần trả lời được việc thu hút người nước ngoài vào Việt Nam để làm gì. Không đơn giản là vấn đề những suy nghĩ cơ học, việc chào đón người nước ngoài cần hướng đến những người có mục đích cụ thể, rõ ràng và quản lý được họ trên cơ sở mục đích của họ khi vào Việt Nam” – Thứ trưởng phát biểu. Còn việc tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, Thứ trưởng cho hay cũng đồng thời phải quy định sao cho hạn chế được tình trạng người lao động nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực du lịch để làm việc tại các dự án xây dựng…

Đọc thêm