Tạo điều kiện tối đa để phụ nữ sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong những năm qua, với cách làm sáng tạo, tinh thần quốc gia khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo phụ nữ thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi ở rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề tham gia, từ đó khẳng định sự đam mê, khát khao đổi mới sáng tạo của phụ nữ Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Diễn đàn “Phụ nữ trong đổi mới sáng tạo: She-nspiring, She-nnovation” được Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cùng các đối tác tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia năm 2022.

Khai mạc Diễn đàn ngày 3/12, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn khơi dậy, tạo không gian và điều kiện cho phụ nữ được đổi mới sáng tạo, khởi xướng những ý tưởng mới chứ không chỉ gói gọn trong công việc gia đình. Năng lực và khả năng của phụ nữ hoàn toàn không khác hay thua kém nam giới, thậm chí còn có những thế mạnh nổi trội hơn”.

Thực tế cho thấy, nữ giới đang đóng góp tới 40% của cải cho nền kinh tế Việt Nam. Ngoài đóng vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thể hiện nhiều ưu điểm hơn như sử dụng nhiều lao động nữ hơn, chi trả bảo hiểm xã hội cao hơn, chi phí tạo ra một việc làm thấp hơn, giải quyết nhiều thách thức xã hội. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, phụ nữ khởi nghiệp lãnh đạo cũng gặp rất nhiều rào cản để phát triển, có thể kể đến sự bất bình đẳng trong thu nhập, vị trí lãnh đạo, các rào cản về quan niệm phụ nữ chủ yếu làm việc nhỏ, nội trợ, nhẹ nhàng… Và còn rào cản nữa đến từ chính bản thân phụ nữ - tự đặt ra các rào cản cho bản thân và cả các phụ nữ, em gái khác. Chính vì thế, cần nhận thức rằng, giới tính không phải là giới hạn. Người khởi nghiệp, lãnh đạo bởi năng lực, bởi sự nỗ lực và chuyên nghiệp, quyết tâm, không phải quy định bởi giới tính.

Diễn đàn đã được tiếp nối với bài chia sẻ, trình bày truyền cảm hứng của các nữ lãnh đạo của hai doanh nghiệp khởi nghiệp với những thành tựu nhất định. Bà Phan Ngọc Hiếu – Sáng lập Maypaperflower – Hoa giấy nghệ thuật Huế chia sẻ câu chuyện ứng dụng đổi mới sáng tạo để kế thừa và phát triển làng nghề truyền thống làm hoa giấy Thanh Tiên có tuổi đời hơn 300 năm tại Huế: “Điều khiến tôi quyết định theo đuổi ngành nghề này không chỉ là để gìn giữ nghề làm hoa giấy với nhiều giá trị văn hoá tinh thần của Huế mà còn hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương theo hướng hiện đại, song song với việc tạo điều kiện để lao động nữ, lao động khuyết tật… có thu nhập và đảm bảo những quyền lợi lao động hợp pháp. Tuy nhiên, cũng có những thách thức mà tôi phải đối mặt, giống như nhiều người phụ nữ khác, trong đó bài toán khó nhất là làm thế nào để cân bằng giữa thời gian dành cho công việc và gia đình. Vì vậy, họ cũng cần những người thân trong gia đình tin tưởng, ủng hộ và hỗ trợ để có thể yên tâm sống với đam mê của mình”.

Đọc thêm