Khi số hoá đưa văn hoá Việt ra thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo PGS. TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia không chỉ là “kim chỉ nam” cho phát triển nền kinh tế tri thức, mà còn mở ra cơ hội to lớn cho các ngành công nghiệp văn hóa - lĩnh vực đầy tiềm năng trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước.
Phấn đấu đến năm 2045 khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới. (Ảnh: Bộ VH-TT-DL)
Phấn đấu đến năm 2045 khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới. (Ảnh: Bộ VH-TT-DL)

Năm 2030, công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP quốc gia

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Để đạt được mục tiêu này, công nghiệp văn hóa là một trong những lĩnh vực đóng vai trò hết sức quan trọng.

Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là thành phần quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Mục tiêu tổng quát của “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm năm 2045” là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng. Qua đó, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam và khẳng định thương hiệu, vị thế quốc gia trên trường quốc tế... Trong đó, hướng đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP quốc gia.

Theo các chuyên gia, mục tiêu đó hoàn toàn khả thi, năm 2024 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ về công nghiệp văn hóa từ chính sách đến thực tiễn. Đây là một năm mà ngành công nghiệp văn hóa chứng kiến sự bùng nổ ngoạn mục với hàng loạt sự kiện lớn như Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội; Tuần lễ Thiết kế - Sáng tạo Hà Nội; concert của các chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”; chương trình Jazz quốc tế lần thứ 1… đã tạo được hiệu ứng tích cực. Bên cạnh đó, những lễ hội du lịch văn hóa như Lễ hội Áo dài, Festival Pháo hoa Đà Nẵng thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước.

Cùng với đó, điện ảnh và âm nhạc tiếp tục khẳng định vị thế khi nhiều bộ phim đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng và các concert âm nhạc nhanh chóng “cháy vé” ngay sau khi mở bán. Đại diện Box Office Vietnam cho rằng tổng doanh thu phòng vé năm 2024 cao nhất từ trước tới nay. Còn Ban Tổ chức của show “Anh trai say hi” cho biết, sau 2 đêm diễn đón hơn 100.000 người tham dự và hưởng ứng nồng nhiệt. Con số này đã phá vỡ tất cả kỷ lục concert tại Việt Nam, kể cả show diễn của BlackPink tại Hà Nội (tháng 7/2023, với hơn 30.000 khán giả mỗi đêm). Bên cạnh nguồn thu tiền vé là một nguồn thu lớn về quảng cáo khi “Anh trai say hi” được phát sóng trên kênh truyền hình HTV2 còn “Anh trai vượt ngàn chông gai” được phát trên khung giờ vàng của VTV3. Ngoài ra, việc phát hành các video ca nhạc trên các kênh như Youtube, Spotify, Apple Music… sau các đêm công diễn cũng góp phần tăng nguồn thu cho nhà sản xuất.

Nhìn một cách tổng thể, trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, sự thành công của những show diễn lớn và bứt phá doanh thu phòng vé của phim Việt trong năm 2024 chính là những dấu hiệu khởi sắc rất đáng mừng. Những thành công đó đã tạo ra sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức về vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa đối với phát triển bền vững tại Việt Nam.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho biết, công nghiệp văn hóa hiện nay có thể xem là lĩnh vực mới nổi, mũi nhọn, đóng góp trực tiếp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Ở một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc công nghiệp văn hóa là nguồn thu chính, là động lực để tăng trưởng GDP. Tại Việt Nam, 5 năm gần đây, công nghiệp văn hóa dù xuất hiện muộn, chưa thành hệ thống, song đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, một số sản phẩm âm nhạc mang dấu ấn tăng trưởng và trở thành xu hướng thời đại được nhiều khán giả, tổ chức quan tâm như: Show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ”, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”...

Theo ông Giang, bên cạnh việc đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, thì công nghiệp văn hóa góp phần thay đổi tư duy, góc nhìn của những người làm văn hóa. Văn hóa không chỉ là phục dựng, tái hiện những giá trị xưa, mà văn hóa còn cần có đời sống mới, sinh động, thông qua việc áp dụng công nghệ hiện đại.

Cùng đó, TS Phạm Việt Long, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển nhận định, phát triển văn hóa có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các ngành kinh tế khác như du lịch, dịch vụ và công nghiệp sáng tạo. Đây là những lĩnh vực có tiềm năng lớn và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Theo đó, công nghiệp văn hóa giúp giảm sự phụ thuộc vào các ngành công nghiệp truyền thống, từ đó làm cho nền kinh tế trở nên đa dạng và bền vững hơn. Ngành công nghiệp văn hóa tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới trong các lĩnh vực như nghệ thuật, truyền thông, giải trí và du lịch văn hóa, từ đó giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao mức sống của người dân. Còn các di sản văn hóa, lễ hội và sự kiện văn hóa thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch và dịch vụ liên quan.

Mặc dù có tiềm năng lớn cho sự phát triển kinh tế nhưng ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay vẫn còn nhiều rào cản về cơ chế, chính sách, nguồn lực... khiến ngành công nghiệp văn hóa chưa phát huy hết vai trò trong nền kinh tế. Trong đó, khung pháp lý và chính sách phát triển công nghiệp văn hóa chưa đồng bộ, chưa theo kịp thực tiễn là một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất cho mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa...

Và câu chuyện của văn hóa truyền thống trong kỷ nguyên số

Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, nếu trước đây, những giá trị văn hóa truyền thống chỉ tồn tại trong không gian hữu hình (trên trang sách, trong bảo tàng, trên sân khấu hay qua lời kể của thế hệ đi trước) thì nay, nhờ vào sức mạnh của công nghệ số, chúng ta có thể đưa toàn bộ di sản ấy vào một thế giới mới: số hóa.

Thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”. (Ảnh: TTXVN)

Thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”. (Ảnh: TTXVN)

Những hoa văn trăm tuổi trên vải thổ cẩm được tái hiện sống động trong không gian thực tế ảo. Làn điệu chèo hay nhã nhạc cung đình có thể vang lên trên khắp các nền tảng trực tuyến chỉ với một cú nhấp chuột… Đó là lúc di sản không còn bị bó hẹp trong không gian địa lý mà có thể vươn xa, chạm đến trái tim của hàng triệu người, không phân biệt biên giới. Thay vì phải đến tận bảo tàng để chiêm ngưỡng một cổ vật, giờ đây, chỉ với một thiết bị thông minh, chúng ta có thể quan sát từng đường nét, dấu tích thời gian trên hiện vật ấy. Những lễ hội truyền thống cũng không còn giới hạn trong một không gian cố định, mà có thể được phát sóng trực tiếp, tái hiện bằng công nghệ 3D hoặc thực tế ảo, mang đến trải nghiệm sống động cho công chúng dù họ ở bất cứ đâu.

Khi nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh và xuất bản bước vào môi trường số, các sản phẩm văn hóa không chỉ dễ dàng tiếp cận hơn mà còn có thể được thương mại hóa theo những cách thức sáng tạo và bền vững. Một bức tranh không chỉ được trưng bày trong phòng triển lãm, mà có thể trở thành một tài sản số được mua bán trên nền tảng blockchain. Một tác phẩm văn học không chỉ dừng lại ở trang giấy, mà có thể biến thành sách nói, thành phim, thành nội dung số lan tỏa trên nhiều nền tảng.

PGS Bùi Hoài Sơn nhận định, trong thế giới phẳng của kỷ nguyên số, không gian sáng tạo không chỉ còn là những phòng trưng bày, nhà hát hay xưởng nghệ thuật truyền thống. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và chuyển đổi số đang đòi hỏi một hệ sinh thái hạ tầng hiện đại, nơi nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà làm phim, doanh nhân văn hóa có thể kết nối, sáng tạo và đưa những ý tưởng táo bạo nhất thành hiện thực...

Và muốn có một ngành công nghiệp văn hóa vững mạnh, theo PGS Bùi Hoài Sơn, phải có một thế hệ nhân lực giỏi nghề, hiểu công nghệ và có tầm nhìn dài hạn. Cùng đó là hạ tầng số không chỉ là đường truyền internet tốc độ cao, trung tâm dữ liệu lưu trữ tài nguyên văn hóa, mà còn là không gian làm việc chung (co-working space), trung tâm sáng tạo số, phòng thu kỹ thuật số nơi các nghệ sĩ có thể thỏa sức thử nghiệm, kết hợp nghệ thuật và công nghệ. Đó có thể là xưởng sáng tạo ảo, nơi các nhà thiết kế thời trang truyền thống ứng dụng công nghệ 3D để tái hiện từng đường kim mũi chỉ của áo dài Việt. Đó có thể là một studio sử dụng trí tuệ nhân tạo để phục dựng những bộ phim tài liệu lịch sử với hình ảnh sắc nét, chân thực… Khi một sản phẩm văn hóa được số hóa, thương mại hóa và lan tỏa qua các nền tảng số, thì giá trị mà nó mang lại không chỉ dừng lại ở nghệ thuật mà còn trở thành một động lực phát triển kinh tế bền vững...

Nghị quyết số 57-NQ/TW đã mở ra một hướng đi chiến lược, khẳng định vai trò của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số như những động lực then chốt thúc đẩy sự bứt phá của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đầu tư vào hạ tầng số, chuyển đổi mô hình sản xuất và phân phối nội dung văn hóa, ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR/AR), blockchain hay dữ liệu lớn (Big Data) sẽ không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm văn hóa mà còn tạo ra những trải nghiệm phong phú hơn cho công chúng. Đồng thời, việc xây dựng môi trường pháp lý vững chắc, bảo vệ sở hữu trí tuệ và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp văn hóa số phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào nền kinh tế sáng tạo của đất nước.

“Thực hiện thành công những định hướng này không chỉ giúp Việt Nam phát huy được sức mạnh nội sinh, mà còn nâng tầm vị thế văn hóa trên trường quốc tế. Khi công nghiệp văn hóa được đầu tư bài bản, khi sáng tạo được nuôi dưỡng bởi công nghệ và đổi mới, đó cũng là lúc văn hóa Việt Nam có thể tự tin sánh vai với thế giới - vừa giữ vững bản sắc, vừa thích ứng linh hoạt với thời đại số. Có thể thấy, trong kỷ nguyên số, phát triển công nghiệp văn hóa không còn là câu chuyện của nghệ thuật và truyền thống, mà là sự kết hợp hài hòa giữa sáng tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới”, PGS Bùi Hoài Sơn kỳ vọng...

Đọc thêm