Tạo hành lang pháp lý cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại, lưỡng dụng

(PLVN) - Với mục đích xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng (CNQP), công nghiệp an ninh (CNAN) chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại; thực hiện động viên công nghiệp (ĐVCN) rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đủ nội lực đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh quốc gia…, việc xây dựng và ban hành Luật CNQP, an ninh (AN) và ĐVCN là rất cần thiết.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng nói về mục đích và quy trình xây dựng Dự án Luật.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng nói về mục đích và quy trình xây dựng Dự án Luật.

Tháo gỡ “điểm nghẽn”, “nút thắt”

Ngày 28/9, Tổng cục CNQP, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị Tuyên truyền về xây dựng Dự án Luật CNQP, AN và ĐVCN.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Bộ Công an triển khai xây dựng Dự án Luật CNQP, AN và ĐVCN theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tổng cục CNQP - Cơ quan Thường trực Ban Soạn thảo đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành đánh giá, nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện trên cơ sở thực tiễn bối cảnh tình hình thế giới, khu vực những năm qua và kết quả quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh CNQP, Pháp lệnh ĐVCN; hoàn thiện Dự thảo hồ sơ Luật CNQP, AN và ĐVCN, gửi xin ý kiến các Bộ, ban, ngành, địa phương và đăng tải công khai hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để xin ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Chủ trì Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục CNQP cho biết, mục đích xây dựng Luật CNQP, AN và ĐVCN nhằm tăng cường gắn kết và phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của CNQP, AN và ĐVCN trong bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở nòng cốt CNQP, AN phù hợp đặc thù CNQP, AN và ĐVCN và gắn với phương thức tác chiến của quân đội, nhiệm vụ của công an, thích ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CNQP, AN và ĐVCN.

Do đó, hồ sơ luật được xây dựng trên cơ sở 3 lĩnh vực chuyên ngành bao gồm: CNQP, CNAN và ĐVCN. Vì 3 chuyên ngành này mang nhiều điểm khác biệt về quy mô ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, năng lực công nghệ, sản phẩm mục tiêu... nên đặt ra yêu cầu rất cao trong xây dựng cơ chế, chính sách và kỹ thuật lập pháp, vừa phải bảo đảm sự hòa quyện, vừa phải bảo đảm tính riêng biệt đặc thù của mỗi ngành. Đặc biệt Dự thảo Luật phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Trong quá trình soạn thảo, Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các Bộ, ban, ngành, nhà quản lý, nhà khoa học; quán triệt, cập nhật những quan điểm, chủ trương, đường lối mới của Đảng về phát triển CNQP, CNAN và ĐVCN; rà soát các văn bản pháp luật có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; nghiên cứu kinh nghiệm các nước trên thế giới. Đồng thời xác định những vấn đề bất cập, trọng tâm cần tháo gỡ “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế, bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, hoàn thiện thể chế phải “bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo” và phải có cơ chế, chính sách đặc biệt cho những lĩnh vực đặc thù của CNQP, AN.

Tàu pháo Hải quân HQ-272 của Quân chủng Hải quân do Công ty Đóng tàu Hồng Hà (Nhà máy Z173 thuộc Tổng cục CNQP) sản xuất năm 2012.

Tàu pháo Hải quân HQ-272 của Quân chủng Hải quân do Công ty Đóng tàu Hồng Hà (Nhà máy Z173 thuộc Tổng cục CNQP) sản xuất năm 2012.

Cần thiết phải xây dựng Luật CNQP, AN và ĐVCN

Sau khi xây dựng Dự án Luật, Bộ Quốc phòng đã gửi văn bản xin ý kiến của 37 đầu mối Bộ, ban, ngành, địa phương; đăng tải công khai hồ sơ Dự án Luật theo quy định. Ngày 18/10/2022, Bộ Tư pháp ban hành báo cáo thẩm định về đề nghị xây dựng Dự án Luật CNQP, AN và ĐVCN. Kết quả xin ý kiến của các Bộ, ban, ngành, địa phương liên quan và thẩm định của Bộ Tư pháp đều thống nhất cao với tính đầy đủ của các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, thực tiễn về sự cần thiết ban hành văn bản, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng luật. Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ các ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật.

Ngày 24/8/2023, Dự án Luật được trình Chính phủ cho ý kiến và thông qua hồ sơ Dự án Luật tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật.

Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật, tháng 9/2023, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP&AN) của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật CNQP, AN và ĐVCN nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển CNQP, AN và ĐVCN; khắc phục những hạn chế, bất cập, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo đảm an ninh quốc gia, phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc thời bình và thời chiến.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban QP&AN của Quốc hội cho biết: “Việc xây dựng luật là cấp bách trước mắt cũng như lâu dài trên cơ sở phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xu hướng chi tiêu quốc phòng trong nghiên cứu, sản xuất vũ khí, khí tài hiện đại. Tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước”.

Ngày 20/9, tại Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhất trí sự cần thiết ban hành luật, nhất trí với nhiều nội dung của Dự thảo Luật; cho rằng bước đầu, Dự thảo Luật đã thể chế hóa được các quan điểm của Đảng, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Hồ sơ Dự án Luật cơ bản bảo đảm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội thảo luận Kỳ họp thứ 6 sau khi được thẩm tra chính thức.

Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Quốc phòng đang hiệu chỉnh, chỉnh lý hồ sơ Dự án Luật gửi Ủy ban QP&AN của Quốc hội thẩm tra chính thức; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức tại Phiên họp thường kỳ vào tháng 10/2023.

Trong khi đó, Dự án Luật CNQP, AN và ĐVCN vẫn tiếp tục được tổ chức lấy ý kiến đóng góp. Các chuyên gia tập trung góp ý vào những vấn đề như: Quy hoạch xây dựng và phát triển CNQP, CNAN; Quản lí QP, AN; bảo đảm nguồn lực cho CNQP, AN; Nguyên tắc tổ chức hoạt động CNQP;…

Mới đây, ngày 28/9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tới đây. Các đại biểu thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật CNQP, AN và ĐVCN nhằm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới.

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc xây dựng Luật có cơ sở pháp lý vững chắc như nội dung các Điều 64, 65, 55, 67, 68 Hiến pháp 2013 khẳng định CNQP, AN và ĐVCN là một vấn đề rất quan trọng, phải được quan tâm đặc thù và ưu tiên. Bên cạnh đó, các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII đã định hướng “Xây dựng, phát triển CNQP, CNAN hiện đại, lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực QP, AN tại các khu vực phòng thủ”… là cơ sở chính trị cho việc xây dựng Luật.

Dự kiến, Dự án Luật CNQP, AN và ĐVCN sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 được tổ chức từ tháng 10 - 11/2023, xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 năm 2024.

Dự thảo Luật CNQP, AN và ĐVCN được xây dựng gồm 7 chương, 75 điều, tập trung thể chế hóa 5 chính sách nổi bật: Phát triển CNQP, CNAN theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức CNQP, CNAN; thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển CNQP, CNAN; huy động nguồn lực cho phát triển CNQP, CNAN; bảo đảm hiệu quả hoạt động ĐVCN.

.

Đọc thêm