Tạo khung pháp lý để huy động mọi nguồn lực cho hoạt động từ thiện

(PLVN) - Đó là mong muốn của nhiều chuyên gia tham gia buổi tọa đàm tham vấn, đóng góp ý kiến cho Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo do Viện Nghiên cứu, quản lý và phát triển (MSD) tổ chức.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năm 2020 được xem là một năm nhiều biến động với Việt Nam khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, thêm những thiên tai, địch hoạ như đợt bão lũ miền Trung xảy ra trong những tháng cuối năm gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đây cũng là lúc tinh thần truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam sáng hơn bao giờ hết. Nhiều thôn làng thức đêm gói những chiếc bánh chưng chuyển đến vùng lũ, những đoàn thiện nguyện băng qua nước lũ đến từng hộ gia đình, các cá nhân, tổ chức huy động được lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ.  

Nghị định số 64 đã tạo ra khuôn khổ pháp lý giúp các cơ quan liên quan huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai, sự cố; đồng thời khuyến khích sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho các hoạt động thiện nguyện, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy Nghị định này cũng đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi. Ngày 23/10/2020, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8876/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64.  

Tọa đàm đã chỉ ra nỗ lực của các cá nhân, tổ chức trong việc nỗ lực làm từ thiện, đặc biệt là những trường hợp khấn cấp. Nguồn lực từ cộng đồng đang rất lớn nhưng chưa được khai thác một cách hiệu quả. Thêm vào đó, các chia sẻ cũng chỉ ra rằng, việc làm từ thiện của cá nhân tổ chức có cả nhiều thuận lợi và cả thách thức, nhưng không đồng đều theo địa phương, theo trường hợp hỗ trợ. Điều này đặt ra vấn đề thách thức về chính sách và về quan điểm của địa phương trong việc tiếp nhận và phối hợp trong công tác từ thiện với các cá nhân, tổ chức cộng đồng...

Đi từ thực tiễn và nhu cầu của công tác thiện nguyện, ông Nguyễn Sỹ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - đã chia sẻ bức tranh rộng lớn hơn về xu hướng và hệ sinh thái cho từ thiện phát triển tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển. Ông Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta đang thực sự thiếu một hệ thống pháp lý thúc đẩy từ thiện.

Ví dụ: Ưu đãi thuế hoặc miễn trừ cho công tác từ thiện hoặc công tác tôn vinh, ghi nhận các tấm gương làm từ thiện của các cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta thấy, công tác hỗ trợ từ thiện nơi dễ, nơi khó, bởi đang phụ thuộc vào quan điểm, nhân cách của lãnh đạo địa phương, phụ thuộc vào cá nhân, thiếu một thể chế, một hệ quan điểm thống nhất trong việc thúc đẩy, khuyến khích làm từ thiện.

Chúng ta nên bỏ đi thủ tục cho hay không cho mà quy định hướng dẫn xem cách thức, phương pháp làm điều phối công tác từ thiện thế nào cho hiệu quả, minh bạch giải trình; như vậy, tuỳ từng trường hợp, hoàn cảnh, địa phương thì đơn vị nào có tư cách, năng lực phù hợp, bất kể tổ chức nhà nước hay tổ chức nhân dân, tổ chức xã hội đều có thể đứng ra điều phối công tác từ thiện”.

Ông Trần Quốc Hùng – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - nhấn mạnh: “Việc từ thiện rất dễ lây lan tâm lý và việc từ thiện có thể tràn lan, không hiệu quả, vụ việc bánh chưng hoặc ào ạt ủng hộ quần áo, mỳ tôm là ví dụ thực tiễn. Nếu chúng ta hiểu chuẩn, hiểu đúng về một quy trình từ thiện thì sẽ đưa ra một quy trình chuẩn chỉ, chuyên nghiệp để mang lại hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực. Về lâu về dài, chúng ta cần một khung pháp lý, luật cho hoạt động nhân đạo, từ thiện khuyến khích huy động nguồn lực và triển khai, tổ chức, thực hiện hiệu quả”. 

Đọc thêm