Tạo lập thị trường đất đai lành mạnh

Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu bật  trong bài viết nhân dịp năm mới.

Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu bật  trong bài viết nhân dịp năm mới.

Trong bài viết quan trọng đầu năm, Thủ tướng nhấn mạnh, những quan điểm và định hướng của Chiến lược 2011 - 2020 phải được thể hiện ngay trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. Người đứng đầu Chính phủ xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm mới, bao gồm:

1- Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; 2- Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; 3- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường; 4- Phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc; và 5 - Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế quản lý trên nguyên tắc bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân và thúc đẩy hình thành đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường.

Về nhiệm vụ thứ hai - Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng- bài viết nêu rõ:

Tập trung hoàn thiện thể chế, tạo lập thị trường đất đai lành mạnh trên nguyên tắc đất đai là công thổ quốc gia và là tư liệu sản xuất chủ yếu của nông dân. Nhà nước và người giao lại quyền sử dụng đất phải là những đối tượng được hưởng lợi chủ yếu từ việc chuyển giao quyền sử dụng đất. Đây là nguyên tắc cơ bản để hình thành chính sách và thị trường đất đai.

Đẩy nhanh tiến trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước tuy là một nội dung của tái cấu trúc doanh nghiệp nhưng lại là điều kiện để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế - một tiêu chí của kinh tế thị trường.

Phương hướng và nội dung chủ yếu của đổi mới doanh nghiệp nhà nước là đẩy mạnh cổ phần hoá và cải cách các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Các tập đoàn và tổng công ty nhà nước cần tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế quốc dân, phải chuyển từ hoạt động đa dạng sang chuyên môn hoá nhằm thực hiện chính sách cơ cấu; đẩy mạnh đổi mới và sáng tạo, nâng cao hiệu quả và tạo lập năng lực cạnh tranh dài hạn để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Điều quan trọng là phải đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh và quy định các chỉ tiêu chất lượng hoạt động của doanh nghiệp. Cải cách cơ chế và tổ chức nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc và công khai kết quả kiểm toán.

Năm 2011, phải triển khai mạnh mẽ chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, coi đây là một nội dung trọng tâm của tái cấu trúc các ngành sản xuất công nghiệp. Khẩn trương hoàn chỉnh cơ chế, chính sách phát triển và tổ chức quản lý công nghiệp hỗ trợ.

Tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp chế tạo với doanh nghiệp lắp ráp, các doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc lựa chọn và phát triển công nghiệp hỗ trợ theo cụm nhóm sản phẩm trên cơ sở thị trường có sự định hướng của Nhà nước, tập trung vào một số sản phẩm cơ khí, thiết bị điện, điện tử, sản phẩm công nghệ thông tin... Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ. 


Phát triển mạnh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả rộng như dịch vụ du lịch, dịch vụ phân phối, vận tải, dịch vụ logistics và các dịch vụ cảng biển, nhằm tận dụng vị thế địa kinh tế của nước ta trong chuỗi cung toàn cầu. Hoàn thiện cơ chế quản lý nhằm thúc đẩy dịch vụ tài chính và kinh doanh bất động sản phát triển lành mạnh. Triển khai chương trình quốc gia phát triển công nghệ thông tin, phấn đấu đến năm 2020 đưa Việt Nam thành nước mạnh về công nghệ thông tin.

Nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng có tính chiến lược của nông nghiệp trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, triển khai mạnh mẽ thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhà nước tăng đầu tư đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở nông thôn, đầu tư phát triển công nghệ sinh học, công nghiệp chế biến nhằm tạo ra các sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh.

Tăng cường công tác kiểm tra theo các tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh thực phẩm từ sản xuất, chế biến, lưu thông đến tiêu dùng. Đầu tư mạnh hơn cho hệ thống bảo quản, dự trữ để giảm hao hụt, bảo đảm chất lượng hàng hóa, điều hoà cung cầu, ổn định giá cả.

PLVN (trích đăng)

Đọc thêm