Tạo “lực” cho Thừa phát lại phát triển

(PLO) - Chế định Thừa phát lại (TPL) hiện nay đã được cho phép thực hiện chính thức trên phạm vi cả nước. Trong quá trình thí điểm trước đây, dư luận vẫn quan tâm hơn cả đến nhiệm vụ của TPL thì với việc được thực hiện chính thức, sự quan tâm đó không hề giảm đi để làm sao TPL có thể trở thành một địa chỉ cho người dân tìm đến khi có yêu cầu thi hành án.

Đã có vụ cưỡng chế thi hành án do TPL đảm nhiệm

Theo quy định hiện hành thì TPL được làm 4 công việc, bao gồm thực hiện việc tống đạt văn bản; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án; tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự. Trên thực tiễn, mảng việc tổ chức thi hành án, nhất là thi hành những bản án phải huy động lực lượng còn ít ỏi. 

Tuy nhiên, vào cuối tháng 11/2016, một văn phòng TPL ở Quảng Ninh đã chủ trì tiến hành vụ cưỡng chế thi hành án có sử dụng lực lượng đầu tiên trên địa bàn và cũng là hy hữu trên toàn quốc. Theo đó, dưới sự chứng kiến, phối hợp của 18 cơ quan, đoàn thể gồm đại diện viện kiểm sát, công an, các phòng, ban chuyên môn của thành phố Hạ Long, đại diện đoàn thể như phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc…, Văn phòng TPL thành phố Hạ Long đã tiến hành cưỡng chế thi hành án, buộc ông Đ.V.N và bà K.T.H địa chỉ phường Hồng Hải, TP Hạ Long (Quảng Ninh) phải trả cho Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Bảo đảm cho số tiền phải thanh toán trên là quyền sử dụng đất 60m2 và tài sản gắn liền trên đất (nhà ở 4 tầng diện tích 294m2) theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh Quảng Ninh cấp năm 2001. Đây là trường hợp vay nợ ngân hàng có sử dụng tài sản thế chấp nhưng đến hạn không thực hiện theo hợp đồng nên bị ngân hàng kiện ra tòa. Sau khi tòa xử, bản án có hiệu lực pháp luật thì ngân hàng yêu cầu được thi hành án và đã lựa chọn Văn phòng TPL thực hiện. 

Trên cơ sở ý kiến của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, Văn phòng TPL thành phố Hạ Long lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, kèm theo hồ sơ thi hành án để Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét, phê duyệt kế hoạch cưỡng chế và ra quyết định cưỡng chế thi hành án giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá thành ngày 19/9/2016. Trước khi công bố quyết định cưỡng chế, đại diện Văn phòng TPL Hạ Long đã yêu cầu lần cuối đề nghị ông N và bà H tự nguyện giao tài sản cho người trúng đấu giá. Tuy nhiên, bà H đã chống đối và phải đến gần 12h trưa (25/11), tài sản trúng đấu giá mới được bàn giao cho chủ mới.

Như vậy, với vụ cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng thành công này, cùng sự chung tay, giúp sức của các cơ quan liên quan, TPL một lần nữa khẳng định có đủ năng lực thực hiện những mảng công việc được giao. Do đó, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của TPL đã được cho phép thực hiện chính thức trên phạm vi cả nước theo Nghị quyết số 107/2015/QH13, Quyết định số 101/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị có liên quan tiến hành nhiều hoạt động, trong đó có xây dựng Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động TPL.

Sẽ mở rộng phạm vi nhiều hoạt động cho TPL

Một nội dung được quan tâm hàng đầu của Dự thảo Nghị định chính là vấn đề về hoạt động của TPL. Trong quá trình soạn thảo Dự thảo Nghị định, đã có một số ý kiến “bàn lùi” rằng không nên tiếp tục quy định về cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng do TPL thực hiện. Ngược lại, rất nhiều quan điểm đề nghị giữ nguyên thẩm quyền này. Điển hình là nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính. 

Ông phân tích, vào thời điểm xây dựng thí điểm chế định TPL thì vướng mắc ở chỗ nhiều địa phương cho rằng TPL là tư nhân, sao lại giao quyền cưỡng chế, trong khi quá trình thí điểm thực chất mới là giao quyền xử lý tài sản của đương sự mà bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên. Tới đây, ông đề nghị cần làm rõ quan điểm khi cưỡng chế thi hành án, không phải công an bảo vệ TPL mà phải hiểu rằng ở đâu có nguy cơ mất trật tự an ninh, an toàn xã hội (cưỡng chế thi hành án có thể có nguy cơ này) thì cơ quan công an cần vào cuộc để bảo vệ trật tự an ninh, an toàn xã hội.

Hơn nữa, Bộ Tư pháp cũng đã nhận được ý kiến phản hồi từ Bộ Công an đồng tình phương án cưỡng chế thi hành án phải có phê duyệt của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự. Tiếp thu những góp ý trên, bên cạnh duy trì hoạt động tổ chức thi hành án của TPL, Dự thảo Nghị định dự kiến mở rộng phạm vi, thẩm quyền trong hoạt động tống đạt văn bản, hoạt động lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án nhằm tạo đà cho TPL có thể thực sự phát triển, đúng chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp.

Cụ thể, về phạm vi tống đạt, ngoài việc tống đạt văn bản của cơ quan tòa án và cơ quan thi hành án, Dự thảo Nghị định mở rộng phạm vi tống đạt của TPL theo hướng TPL được tống đạt văn bản của đương sự trong các vụ việc dân sự, hành chính để phục vụ việc thu thập chứng cứ, thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự; thực hiện tống đạt văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp (Công ước La Hay 1965) và tống đạt văn bản của các cơ quan, tổ chức khác (cơ quan hành chính nhà nước và tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp).

Đối với thẩm quyền lập vi bằng, Dự thảo Nghị định bổ sung 1 điều luật riêng để quy định và làm rõ về các trường hợp không được lập vi bằng, đó là không được lập vi bằng đối với những việc TPL không được làm; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định của Bộ luật Dân sự, trái đạo đức xã hội; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp. Đồng thời, Dự thảo Nghị định mở rộng phạm vi lập vi bằng ra ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đặt văn phòng TPL so với quy định hiện hành. 

Đọc thêm