Nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm
Chế định TPL được thực hiện thí điểm bắt đầu từ năm 2010 tại TPHCM, sau đó mở rộng tới 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả tổng kết thí điểm cho thấy, chế định TPL có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, tạo tiền đề giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự (THADS), góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 về việc thực hiện chế định TPL. Triển khai Nghị quyết số 107/2015/QH13, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 101/QĐ-TTg, trong đó xác định nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về tổ chức và hoạt động của TPL là rất quan trọng.
Một trong những nội dung của Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động TPL được đại diện Tổ biên tập – Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến báo cáo tại cuộc họp liên quan đến tiêu chuẩn bổ nhiệm TPL. Trên cơ sở rà soát tiêu chuẩn bổ nhiệm TPL theo quy định hiện hành, bà Yến cho biết, Dự thảo Nghị định quy định theo hướng nâng cao tiêu chuẩn của TPL nhằm tăng cường chất lượng, xây dựng đội ngũ TPL có năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật; có đạo đức và kỹ năng hành nghề tương đồng với các nghề bổ trợ tư pháp khác.
Theo đó, người mong muốn được bổ nhiệm TPL, ngoài các tiêu chuẩn có bằng cử nhân luật; đã công tác thực tế trong ngành pháp luật trên 5 năm hoặc đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; chấp hành viên, công chứng viên, điều tra viên từ trung cấp trở lên như quy định hiện hành thì “phải có chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề; có thời gian tập sự hành nghề tại Văn phòng TPL”. Thay vì chỉ bồi dưỡng trong 2 tuần như trước đây, thời gian đào tạo nghề TPL dự kiến là 6 tháng và thời gian tập sự hành nghề là 6 tháng tại văn phòng TPL. Bên cạnh đó, TPL không được kiêm nhiệm luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, quản tài viên và những công việc thường xuyên khác.
Đồng tình vẫn phải giữ điều kiện tiêu chuẩn bổ nhiệm TPL nhưng Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú quan niệm, quy định tiêu chuẩn như Dự thảo là cao. Theo ông Tú, về mặt quản lý nhà nước, nên có cơ chế miễn, giảm cho người có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn như đang vận dụng cho luật sư.
Tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh
Cũng theo bà Yến, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau về việc lập chi nhánh, văn phòng đại diện của văn phòng TPL. Cụ thể, quan điểm thứ nhất đề nghị quy định cho phép văn phòng TPL được mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở những tỉnh chưa thực hiện chế định TPL nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và tạo điều kiện mở rộng hoạt cho các văn phòng TPL. Ngược lại, quan điểm thứ hai cho rằng không nên quy định văn phòng TPL được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, nhất là trong bối cảnh chế định TPL vừa chấm dứt thời gian thí điểm. Loại quan điểm này lý giải, Dự thảo quy định các văn phòng TPL được thành lập theo đề án đã được phê duyệt nhằm hướng tới phát triển bền vững và ổn định. Do vậy, việc cho phép mở chi nhánh, văn phòng đại diện sẽ không phù hợp với định hướng phát triển nêu trên cũng như gây khó khăn cho việc quản lý hoạt động đối với chi nhánh, văn phòng đại diện.
Theo Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, việc cho phép văn phòng TPL mở chi nhánh là cách thức để “nuôi dưỡng” văn phòng TPL, tạo sự lan tỏa của chế định này. Tuy nhiên, Thứ trưởng Dũng cho rằng phải có sự tuyên truyền phù hợp tới người dân và xã hội, đồng thời phải quản lý có quy hoạch, “chứ văn phòng TPL nào cũng vươn ra 63 tỉnh, thành thì không được”.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba chỉ rõ, hiện chưa có bất kỳ quy hoạch, mạng lưới văn phòng TPL nào cả thì trong Dự thảo phải giao trách nhiệm cụ thể. “Nên chăng quy định điều kiện, tiêu chí hoặc là để Bộ Tư pháp phê duyệt mang tính hành chính” – ông Ba gợi ý.
Nguyên Thứ trưởng – chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng thì đề nghị hết sức cân nhắc việc cho phép lập chi nhánh, văn phòng đại diện vì theo quy định, các tỉnh, thành đều được thành lập văn phòng TPL. “Muốn lập chi nhánh, văn phòng đại diện phải qua thời gian kiểm nghiệm, không nên vội vã” là ý kiến của vị chuyên gia cao cấp.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc lại cơ bản đồng tình quy định về lập chi nhánh, văn phòng đại diện nhưng lưu ý phải tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, Thứ trưởng Ngọc băn khoăn ở điểm tại sao chỉ cho lập ở địa bàn chưa thực hiện chế định TPL trong khi đề ra mong muốn thúc đẩy sự phát triển của các văn phòng TPL.