Tạo sự thuận lợi cho xây dựng, phát triển Thủ đô trên các lĩnh vực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Luật Thủ đô (sửa đổi) đã kế thừa, mở rộng, bổ sung rất nhiều quy định mới so với Luật Thủ đô năm 2012 để tạo sự thuận lợi cho xây dựng, phát triển Thủ đô trên các lĩnh vực.
Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Thủ đô.
Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Thủ đô.

Phân quyền, phân cấp mạnh mẽ cho Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 28/6/2024, Luật Thủ đô đã được Quốc hội chính thức thông qua.

Luật đã kế thừa, phát triển những quy định của Luật Thủ đô năm 2012; phát triển các cơ chế, chính sách đặc thù đang thực hiện thí điểm tại Thủ đô và các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tình hình, mục tiêu, yêu cầu xây dựng Thủ đô trong thời gian tới.

Đồng thời, thể chế hoá nhiều cơ chế, chính sách mới, phân quyền, phân cấp mạnh mẽ cho Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực.

Luật Thủ đô được thông qua gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô 2012). Trong đó, đáng chú ý, Luật đã kế thừa, mở rộng, bổ sung rất nhiều quy định mới so với Luật Thủ đô 2012 để tạo sự thuận lợi cho xây dựng, phát triển Thủ đô trên các lĩnh vực.

Các nội dung này được quy định tại Chương III Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô với 17 điều từ Điều 17 đến Điều 33 của Luật.

Theo đó, về quy hoạch, xây dựng, Luật giao thẩm quyền cho TP được điều chính cục bộ các quy hoạch trên địa bàn TP do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cho phép phát triển một số loại công trình ở bãi sông, bãi nổi, phân quyền phê duyệt đầu tư các dự án ở bãi sông, bãi nổi cho UBND TP.

Luật cũng kế thừa và bổ sung quy định về di dời các cơ sở, trụ sở các cơ quan, đơn vị không phù hợp quy hoạch và quy định rõ việc bàn giao quỹ đất cho TP sử dụng để cho các mục tiêu phát triển, trong đó xác định rõ khu vực nội đô chỉ sử dụng cho không gian công cộng, cây xanh và không bố trí chức năng ở, lưu trú; khu vực đô thị trung tâm thì phát triển theo hướng ưu tiên các công trình công cộng, phúc lợi xã hội.

Đồng thời, bổ sung mới các quy định về cải tạo, chỉnh trang đô thị theo cơ chế góp quyền sử dụng đất, tái điều chỉnh đất đai, trong đó có cả việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, thu hồi đất vùng phụ cận các dự án giao thông, đặc biệt là dự án đường sắt đô thị để phát triển đô thị theo mô hình TOD, tạo nguồn lực, biện pháp đột phát cho phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị của Thủ đô.

Bổ sung mới quy định về quản lý, khai thác sử dụng không gian ngầm theo đó, việc sử dụng không gian ngầm sẽ phải tuân theo quy hoạch, được phân vùng, giới hạn sử dụng do Chính phủ quy định, phải trả tiền sử dụng không gian ngầm.

TP chủ động thực hiện chính sách an sinh xã hội cao hơn

Các quy định về văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ, chính sách xã hội cũng được bổ sung nhiều quy định mới, đặc thù.

Ví dụ như, về phát triển văn hoá, Luật giao TP được phát triển khu công nghiệp văn hoá ở bãi sông bãi nổi, quy định chính sách, chế độ chi cao hơn, ngoài quy định của Trung ương cho các nghệ sỹ, vận động viên, huấn luyện viên; cho phép triển khai mô hình khu phát triển thương mại và văn hoá ở các địa điểm có lợi thế để cộng đồng dân cư được tự chủ, tự quản, tự phát triển.

Về giáo dục đào tạo, cho phép TP được thực hiện liên kết giáo dục giữa cơ sở giáo dục công lập với cơ sở giáo dục nước ngoài; được chủ động quyết định một số nội dung, chương trình giáo dục.

Về y tế, cho phép TP được quy định các cơ chế tài chính, chính sách phát triển hệ thống y học gia đình, cấp cứu ngoại viện như quy định mức giá, tỷ lệ đồng chi trả, mức hỗ trợ, cơ chế quản lý, cấp phép; việc khám chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi thuộc TP.

Về khoa học công nghệ, Luật quy định bổ sung mới các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ về thu nhập, hỗ trợ về các nguồn lực, trang thiết bị; khi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm thì được chủ động áp dụng các cơ chế về tuyển chọn, giao nhiệm vụ, cơ chế khoán sản phẩm.

Các trường đại học, cao đẳng, tổ chức khoá học công nghệ công lập được phép thành lập doanh nghiệp để thương mại hoá sản phẩm khoa học và công nghệ, viên chức của các trường, tổ chức khoa học công lập được tham gia quản lý, góp vốn vào doanh nghiệp. Khu Công nghệ cao Hoà Lạc được hưởng các quy định đặc thù về quản lý sử dụng đất, tài sản công...

TP được ban hành, triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới.

Về thực hiện chính sách xã hội, Luật quy định TP được chủ động trong việc quy định về đối tượng, mức chi để thực hiện chính sách xã hội, an sinh xã hội cao hơn hoặc ngoài các quy định của Trung ương.

Về bảo vệ môi trường, TP được quy định về vùng phát thải thấp và các cơ chế quản lý của vùng phát thải thấp; quy định các chính sách về giảm phát thải, hạn chế phương tiện giao thông ở một số khu vực, cải thiện môi trường làng nghề, giảm phát thải nhựa...

Về nông nghiệp, nông thôn, TP được ban hành các quy định hỗ trợ phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, hiệu quả kinh tế cao; được quy định về tỷ lệ đất nông nghiệp tại vùng nông nghiệp tập trung để phát triển các công trình phụ trợ, phục vụ sản xuất nông nghiệp; được sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm.

Đọc thêm