Tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam

(PLVN) - Với 470/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, sáng 24/6, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật.

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.

Giấy tờ xuất nhập cảnh đã cấp cho công dân trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong giấy tờ xuất nhập cảnh. Trường hợp công dân đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh nhưng chưa được cấp khi Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam số 49/2019/QH14 để giải quyết.

Trường hợp người nước ngoài đã được cấp thị thực điện tử hoặc nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực hoặc đề nghị cấp thị thực điện tử nhưng chưa được cấp khi Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 51/2019/QH14.

Luật đã bổ sung quy định hủy giá trị sử dụng hộ chiếu còn thời hạn bị mất hoặc đối với trường hợp đã quá 12 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn trả hộ chiếu mà công dân không nhận hộ chiếu và không có thông báo bằng văn bản về lý do chưa nhận.

Luật mới cũng sửa đổi và quy định cụ thể về khai báo tạm trú của người nước ngoài. Trong đó, người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú.

Trường hợp đồn, trạm Biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì đồn, trạm Biên phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi người nước ngoài tạm trú.

Việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài thực hiện qua môi trường điện tử hoặc phiếu khai báo tạm trú.

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung chính sách thị thực điện tử theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh (nâng thời hạn lên không quá 90 ngày, có giá trị nhiều lần, giao Chính phủ quyết định các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử).

Đặc biệt, với thủ tục đơn giản, thuận tiện, minh bạch, nhanh chóng, người nước ngoài không phải đến cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, không phải làm thủ tục đề nghị cấp thị thực qua khâu trung gian, sẽ ưu tiên lựa chọn thị thực điện tử khi có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam.

Đọc thêm