Tạo thuận lợi cho người vi phạm sửa sai

(PLO) - Chiều 23/8, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp liên ngành bàn về việc thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính về an toàn giao thông đường bộ qua hệ thống bưu điện. Đây được coi là một giải pháp góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính công về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bằng cách có thể nộp tiền phạt vi phạm giao thông tại các bưu cục có cung cấp dịch vụ của bưu điện trên cả nước và nhận lại giấy tờ tạm giữ tại nhà.
Thiếu tướng Dánh: Dư luận ủng hộ cách làm mới.
Thiếu tướng Dánh: Dư luận ủng hộ cách làm mới.

Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định áp dụng hình thức phạt tiền mà cá nhân bị xử phạt không đóng trụ sở tại nơi xảy ra hành vi vi phạm thì có thể đề nghị nộp tiền phạt qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước và yêu cầu người có thẩm quyền xử phạt gửi quyết định xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm. Còn theo Nghị quyết số 10/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ, Chính phủ thống nhất cho phép thực hiện dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc qua hệ thống bưu điện. 

Triển khai Nghị quyết số 10, Cục Cảnh sát giao thông và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác về về thu nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới tay người nhận theo yêu cầu kể từ ngày 15/6/2016. Đây là dịch vụ có thể nộp tiền phạt vi phạm giao thông tại các bưu cục có cung cấp dịch vụ của Bưu điện trên cả nước và nhận lại giấy tờ tạm giữ tại nhà. Khách hàng có nhu cầu sẽ đăng ký sử dụng dịch vụ trực tiếp với cơ quan công an hoặc với bưu điện.

Theo đó, việc đăng ký với cơ quan công an sẽ thực hiện thông qua hình thức ghi và ký vào mặt sau tờ Biên bản vi phạm (bản cơ quan công an lưu) để chuyển tới bưu điện. Nếu đăng ký với bưu điện thì người vi phạm giao thông có thể đến bưu cục gần nhất có cung cấp dịch vụ để đăng ký và nộp tiền (bao gồm tiền phạt và phí dịch vụ). Ngoài ra, việc chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người vi phạm sẽ được thực hiện theo phương thức ưu tiên. Bưu điện Việt Nam đảm bảo chuyển phát nhanh chóng, chính xác, an toàn tới tận tay người nhận. Người vi phạm giao thông tại các trung tâm tỉnh, thành phố sẽ nhận lại tất cả giấy tờ trong vòng tối đa 02 ngày, đối với các huyện xa và tỉnh, thành khác là 03 - 05 ngày.

Đa số ý kiến tại cuộc họp liên ngành đồng tình với việc triển khai thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính về an toàn giao thông đường bộ qua hệ thống bưu điện, tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng và người vi phạm hành chính. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, cơ quan công an hiện đang quản lý rất nhiều hồ sơ, giấy tờ tạm giữ, nếu không triển khai hình thức thu hộ, chuyển trả qua bưu điện thì lượng tồn đọng ngày càng nhiều, việc xử lý vi phạm không đạt đến mục đích cuối cùng (gồm răn đe, giáo dục người vi phạm, thực hiện nghĩa vụ của người vi phạm). Qua tìm hiểu và thí điểm tại một số địa phương như Vũng Tàu, ông Dánh nhận thấy dư luận rất ủng hộ. 

Tuy nhiên, theo ông Dánh, khó khăn lớn nhất là nhận thức “Trong quá trình tuyên truyền tới đây, cần nói rõ là người dân được lựa chọn trực tiếp đến nộp phạt hoặc thông qua bưu điện”, ông Dánh đề nghị. 

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Chu Thị Lan Hương thông tin, từ giữa tháng 6 đến nay, hệ thống bưu điện đã giải quyết hàng chục nghìn yêu cầu sử dụng dịch vụ, chưa có sai sót hay bất kỳ khiếu nại nào của người dân, cơ quan công an. Có điều, từ thực tiễn triển khai, bà Hương nêu phản ánh của người dân là nên giải quyết cả hình thức xử phạt bổ sung như bằng lái bị tạm giữ cũng có thể được chuyển trả qua bưu điện và mở rộng thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy, đường sắt.

Đọc thêm