Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Hàng loạt sai phạm trong quản lý nhà đất

(PLVN) - Thanh tra Chính phủ (TTCP) đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) phải lập hồ sơ, trình các cơ quan chức năng thực hiện việc sắp xếp, xử lý tài sản đối với 716 cơ sở nhà đất theo quy định.
Đến hết năm 2017, tổng diện tích đất VRG quản lý bị lấn chiếm trên 10.700 ha.
Đến hết năm 2017, tổng diện tích đất VRG quản lý bị lấn chiếm trên 10.700 ha.

Theo Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại VRG của TTCP, diện tích bị lấn, chiếm trước khi giao đất cho tập đoàn là gần 9.950 ha.

Trong đó: Các tỉnh Tây Bắc là gần 1.500 ha (Cty CP Cao su Dầu Tiếng - Lào Cai); các tỉnh Tây Nguyên hơn 5.600 ha (Cty Phú Riềng tại Đắk Nông và Cty TNHH MTV Cao su Chư Sê tại Gia Lai); các tỉnh duyên hải miền Trung hơn 2.800 ha (Cty TNHH MTV Cao su Thanh Hoá, Cty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh, Cty MDF Quảng Trị). Đến hết năm 2017, tổng diện tích đất bị lấn chiếm trên 10.700 ha.

Nguyên nhân chủ yếu là do diện tích đất địa phương giao cho các Cty theo ranh giới quy hoạch sử dụng đất, khi nhận bàn giao đất và khai hoang trồng cao su phát hiện một số diện tích người dân đã canh tác lâu năm, chưa có hồ sơ pháp lý đất đai; khi nhận bàn giao đất đã có một phần diện tích đất người dân sử dụng canh tác từ lâu.

VRG quản lý, sử dụng 759 cơ sở nhà đất thuộc đối tượng phải xử lý, sắp xếp theo Quyết định 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên đến hết năm 2017, VRG mới trình cơ quan chức năng phê duyệt, xử lý sắp xếp 43 cơ sở (5,7%), số cơ sở nhà đất còn lại chưa phê duyệt xử lý, sắp xếp theo quy định là 716, hiện mới hoàn tất công tác kiểm tra hiện trạng.

“Việc VRG cho thuê một phần diện tích văn phòng làm việc chưa thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai: Số 177 Hai Bà Trưng, quận 3, TP HCM; số 56 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cho mượn đất làm nhà ở để bị lấn, chiếm chưa thu hồi được (Nhà E1, phố Tạ Quang Bửu, Hà Nội); tạp chí Cao su cho thuê làm nhà ở không đúng mục đích được giao (số 680/44 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM và số 143/10 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh). Cty Tài chính Cao su ký hợp đồng mua tài sản là quyền sử dụng đất năm 2004, 2005 để làm trụ sở văn phòng công ty nhưng không lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa có dự án đầu tư được phê duyệt,…”, kết luận thanh tra nêu.

TTCP còn phát hiện VRG ban hành quyết định cho phép Cty Cao su Phú Riềng chuyển giao trên 96 ha đất cao su, sau đó UBND tỉnh Bình Phước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với Trường cao đẳng công nghiệp Cao su (không phải tổ chức kinh tế nên không được thuê đất để thực hiện đầu tư dự án) là chưa thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai.

Giám đốc Cty CP cao su Đồng Phú cho cán bộ, công nhân viên mượn đất (đất phi nông nghiệp) làm nhà ở với tổng diện tích 0,81 ha làm trụ sở Nông trường Tân Thành (xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước). Đến nay 33 cán bộ, công nhân viên đang sử dụng diện tích đất này làm nhà ở là vi phạm Điều 11 Luật Đất đai năm 2003.

“Việc GĐ Cty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (Donaruco) cho 44 công nhân mượn 2.575,75 ha nhà để ở trên diện tích 3,2 ha đất là sử dụng đất sai mục đích”, kết luận chỉ rõ.

Từ kết quả kiểm tra trên, TTCP đã kiến nghị VRG chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Kiểm tra, rà soát đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất cho thuê đất; chuyển nhượng dự án,… theo thẩm quyền xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, bảo đảm theo đúng quy định pháp luật.

Xử lý các tồn tại, vi phạm trong việc cho thuê văn phòng làm việc, cho thuê, mượn nhà đất không đúng quy định, để xảy ra tình trạng lấn, chiếm nhà, đất, để nhà trống không sử dụng gây lãng phí. Lập hồ sơ, trình các cơ quan chức năng thực hiện việc sắp xếp, xử lý tài sản đối với 716 cơ sở nhà đất theo quy định.

“Chủ động, phối hợp, đề xuất với UBND các tỉnh, TP giải quyết dứt điểm diện tích đất bị lấn chiếm, tranh chấp và diện tích đất trồng lấn để ổn định sản xuất, kinh doanh, sử dụng đất có hiệu quả, tránh thất thu ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng đất đúng quy định pháp luật”, TTCP nêu rõ.

Hồi giữa năm 2019, TAND TPHCM đã tuyên vụ án sai phạm gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng xảy ra tại VRG. Lê Quang Thung (nguyên TGĐ VRG) bị tuyên án 4 năm tù; Nguyễn Hồng Phú (nguyên GĐ Cty Cao su Phú Riềng, Phó TGĐ VRG) bị tuyên 3 năm 6 tháng về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguyễn Thành Châu (nguyên TGĐ Cty Cao su Đồng Nai), Nguyễn Văn Minh (nguyên kế toán trưởng Cty Cao su Đồng Nai) và Hoàng Văn Sơn (nguyên kế toán trưởng Cty Cao su Phú Riềng) cùng bị tuyên án 3 năm tù cho hưởng án treo.

Theo cáo trạng, từ 2007-2008, VRG không có chủ trương thành lập, góp vốn vào Cty CP chế biến và xuất khẩu thủy sản Đồng Tháp nhưng Thung đã đứng ra tổ chức thành lập Cty thủy sản Đồng Tháp, không phải là ngành nghề kinh doanh chính của VRG.

Sau khi thành lập, lợi dụng chức vụ là TGĐ, Thung đã chỉ đạo lãnh đạo nhiều đơn vị thuộc tập đoàn, sử dụng quỹ phúc lợi của Cty góp vốn vào Cty thủy sản Đồng Tháp trái quy định.

Hành vi của các đối tượng dẫn đến hậu quả Cty Cao su Đồng Nai và Cty Cao su Phú Riềng không thu hồi được số tiền góp vốn, gây thiệt hại cho Nhà nước 43,2 tỷ đồng.

Đọc thêm