Tập đoàn TH dự kiến rót 3,6 tỉ USD vào Đắk Nông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tập đoàn TH hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào tỉnh Đắk Nông. Các dự án được triển khai trên nhiều lĩnh vực như nông, lâm nghiệp và thảo dược; thương mại, dịch vụ, du lịch; công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo.

Đã nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án tổ hợp khách sạn-thương mại

Tại hội nghị “Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2024” được tổ chức ngày 23-3, tỉnh Đắk Nông đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Đắk Nông cũng ký kết ghi nhớ hợp tác đầu tư cho bốn doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đầu tư 8,4 tỉ USD.

Trong đó, Công ty cổ phần Cà phê ARABICA Việt Nam (thuộc Tập đoàn TH) nhận giấy chứng nhận đầu tư cho dự án tổ hợp khách sạn - thương mại Cao Nguyên với tổng mức đầu tư hơn 440 tỉ đồng.

Đồng thời, Công ty cổ phần Tập đoàn TH được Đắk Nông trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư các lĩnh vực khoáng sản, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… với tổng mức đầu tư dự kiến 3,6 tỉ USD.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh mặc dù Đắk Nông đang có nhiều khó khăn nhưng vẫn có những điểm sáng và lợi thế riêng có.

Đắk Nông hoàn toàn có thể tập trung vào phát triển công nghiệp dựa trên lợi thế về tài nguyên bô - xít, phát triển du lịch gắn với các sản phẩm độc đáo; khả năng phát triển kinh tế nông nghiệp; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý Đắk Nông khát khao phát triển kinh tế nhưng phải giữ được tài nguyên, giữ được đa dạng sinh học, đặc biệt là giữ được rừng, giữ lá phổi cho đất nước.

Do vậy, về triển khai đầu tư và thu hút đầu tư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu phải có chọn lọc.

Việc chọn nhà đầu tư có tiềm lực, dự án có thể kết hợp khai thác khoáng sản, du lịch và nông nghiệp là hướng đi đúng đắn để giải quyết những vướng mắc trong quy hoạch khoáng sản của Đắk Nông.

Tập đoàn TH trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào tỉnh Đắk Nông.

TH dự kiến xây dựng một thủ phủ chăn nuôi bò sữa ở Đắk Nông

Tập đoàn TH được biết tới là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa với thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK.

Phát biểu tại hội nghị, bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH - cho biết Tập đoàn TH đã có khảo sát và đánh giá điều kiện của Đắk Nông phù hợp chăn nuôi đại công nghiệp. Vì vậy TH dự kiến xây dựng một “thủ phủ” chăn nuôi bò sữa quy mô đại công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đắk Nông.

Người nông dân địa phương sẽ thành một mắt xích trong chuỗi giá trị chăn nuôi chế biến sữa.

Mô hình này giúp phát triển sinh kế cho bà con, xóa đói giảm nghèo bền vững, đồng thời người dân còn góp phần vào công cuộc cải thiện sức khỏe, tầm vóc người Việt.

TH dự kiến đưa Đắk Nông thành “thủ phủ” bò sữa lớn thứ 2 của tập đoàn, sau Nghệ An

Quan tâm đến dự án khai khoáng

Không chỉ kỳ vọng đưa Đắk Nông thành “thủ phủ” bò sữa chăn nuôi tập trung lớn thứ 2 của tập đoàn, sau Nghệ An, bà Thái Hương cho hay tập đoàn TH đã khảo sát về khai khoáng bô-xít ở Tây nguyên từ những năm 2010.

Theo đánh giá của bà, Đắk Nông có lợi thế khoáng sản bô-xít để sản xuất alumina và nhôm.

Đắk Nông có trữ lượng lớn nhất cả nước với 1,7 tỉ tấn, chiếm 30% tổng trữ lượng Việt Nam.

Mỏ Đắk Nông có chất lượng tốt, hàm lượng quặng cao, vỉa dày. Không những vậy, sản xuất nhôm cần rất nhiều điện năng và Đắk Nông cũng có tiềm năng về năng lượng tái tạo, đủ để tạo nguồn năng lượng sạch cho sản xuất nhôm, đảm bảo tự cung tự cấp cho vòng khai thác chế biến tuần hoàn.

Đối với các dự án khoáng sản, bà Thái Hương nhấn mạnh khuyến nghị với tỉnh Đắk Nông cần sử dụng công nghệ hiện đại tiên tiến nhất của các nước trên thế giới. Vì khai khoáng phải đi theo kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững.

“Vùng mỏ bô xít sau khi đào lên, khai thác khoáng sản rồi thì sẽ làm gì? Phát triển trồng trọt, hay du lịch, phát triển đô thị,… để đảm bảo phù hợp, không phá vỡ quy hoạch phát triển của tỉnh” - bà Hương khuyến cáo.

Bà Thái Hương trăn trở, dù là dự án trồng trọt nông nghiệp hay chế biến khoáng sản cũng cần áp dụng công nghệ đầu cuối tiên tiến nhất và chế biến sâu. Mục tiêu là tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và chi phí giá thành hợp lý nhất, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế, mang lại giá trị sống đích thực cho người dân, phát huy nội lực đất nước.

Từ kinh nghiệm và thực tiễn đã triển khai Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi tổng vốn 1,2 tỷ USD của Tập đoàn TH tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, bà Thái Hương cho rằng để có một dự án thành công, mang tầm ảnh hưởng kinh tế vùng, kinh tế địa phương cần phải có 3 nhóm yếu tố.

Thứ nhất là năng lực tài chính, năng lực quản trị của nhà đầu tư. Thứ hai là lợi thế về đất đai thổ nhưỡng. Thứ ba là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu.

Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH chia sẻ tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, Đắk Nông sở hữu 3 lĩnh vực rất tiềm năng. Thứ nhất là công nghiệp chế biến, trong đó có chế biến khoáng sản và chế biến nông lâm sản, nông nghiệp đi theo hướng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ. Thứ hai là du lịch nghỉ dưỡng, dưỡng lão. Thứ ba là ngành nông nghiệp.

“Đắk Nông hội tụ đủ điều kiện để phát triển mạnh mẽ” - bà Thái Hương nhấn mạnh.

Để Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng phát huy được tiềm năng của mình, bà Thái Hương đề xuất có chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên về nông nghiệp. Trong đó, người nông dân được hỗ trợ về phân, giống và doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất để khuyến khích đầu tư vào khu vực này.

Đọc thêm