Đến dự hội nghị có ông Vưu Nghị Bình - Giám đốc Sở Tư pháp; ông Trần Minh Đức - Phó Giám đốc Sở Tư Pháp; ông Phan Hồng Nguyên - Phó Vụ trưởng vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.
Hội nghị nhằm mục đích hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ xây dựng, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và nghiệp vụ hòa giải cho công chức Tư pháp - Hộ tịch; Mật trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, xã và lãnh đạo UBND cấp xã từ đó nâng cao chất lượng công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở.
Bên cạnh đó, thông qua Hội nghị bồi dưỡng để tuyên truyền, phổ biến đến công chức tư pháp cấp huyện, xã và lãnh đạo UBND cấp xã những quy định của pháp luật về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và những quy định thuộc lĩnh vực hòa giải ở cơ sở; những văn bản pháp luật mới có liên quan thiết thực đến đời sống của nhân dân…
Ông Phan Hồng Nguyên - Phó Vụ trưởng vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp triển khai 04 chuyên đề |
Các đại biểu tham dự tập huấn sẽ được ông Phan Hồng Nguyên - Phó Vụ trưởng vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp triển khai 04 chuyên đề về: Hướng dẫn nghiệp vụ công tác xây dựng, đánh giá, công nhận xã, phương, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Triển khai Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và quản lý, khai thác tủ sách pháp luật; Hướng dẫn nghiệp vụ và giới thiệu một số văn bản liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở; Giải đáp một số vướng mắc trong công tác xây dựng, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt tiếp cận pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở.
Ông Trần Minh Đức - Phó Giám đốc Sở Tư Pháp phát biểu tại hội nghị |
Ông Trần Minh Đức - Phó Giám đốc Sở Tư Pháp nhận định: Để xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thực chất, đúng mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đề ra thì cán bộ, công chức phải quan tâm nhiều đến yếu tố xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đây là điều kiện “cần” và hết sức quan trọng. Ngoài ra, chúng ta phải quan tâm đến yếu tố “đủ” là thực hiện việc đánh giá đúng quy trình, thủ tục, chất lượng. Để đảm bảo yếu tố cần “cần” và “đủ” trên thì việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ cho việc xây dựng, đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ bắt buộc phải làm thường xuyên, duy trì và ở từng cấp chính quyền phải quan tâm thực hiện.
Cũng theo ông Đức, những nội dung được triển khai tại Hội nghị tập huấn lần này là những nội dung gắn liền với hoạt động của chuyên môn của các đại biểu, vừa gắn với thực hiện các Tiêu chí của chuẩn tiếp cận pháp luật, cho nên các đại biểu tham dự Hội nghị cần nghiêm túc trong giờ giấc, tiếp thu, ghi chép, nghiên cứu tài liệu, đặt câu hỏi, thảo luận để tiếp thu có hiệu quả bài giảng, bổ sung kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động trong thời gian tới.