Tập huấn triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin

(PLVN) -Sáng 24/6, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn về triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP tại tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm đảm bảo việc triển khai thi hành Luật được thống nhất, đạt chất lượng, hiệu quả hơn. 
Hội nghị được tổ chức tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hội nghị được tổ chức tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hội nghị tập huấn nhằm đánh giá những kết quả đạt được cũng như hạn chế, tồn tại của việc triển khai thi hành Luật TCTT và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP trong thời gian qua. Qua đó tiếp tục triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP có hiệu quả trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thị Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, Luật TCTT được Quốc hội thông qua năm 2016 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018) và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 23/01/2018 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật TCTT. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng cụ thể hóa quyền TCTT của công dân, quy định một cách cụ thể, tập trung và thống nhất trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước cũng như quy định rõ quyền của công dân trong việc chủ động yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.

Trong thời gian qua, công tác triển khai thi hành Luật TCTT năm 2016 và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP đã được các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện theo kế hoạch của Chính phủ và đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào việc bảo đảm thực hiện quyền TCTT của công dân. Tuy nhiên, qua công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tập huấn, hướng dẫn thi hành Luật TCTT và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP tại một số cơ quan, địa phương cho thấy việc triển khai thi hành vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định.

Bà Lê Thị Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp phát biểu

Bà Lê Thị Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp phát biểu

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế, với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, đồng thời là cơ quan được giao nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về công tác tiếp cận thông tin tại địa phương, hàng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành Luật TCTT trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng việc quán triệt để lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương nhận thức đúng, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của công tác cung cấp thông tin.

Công tác thông tin, tuyên truyền nội dung Luật TCTT và các văn bản hướng dẫn thi hành được Hội đồng PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan nhà nước thực hiện bằng nhiều hình thức, qua đó người dân đã nắm được quy định cơ bản về quyền được tiếp cận thông tin cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin theo quy định. Thông qua các báo cáo định kỳ và khảo sát thực tế, nhìn chung việc triển khai Luật đã cơ bản thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất. Qua đó, góp phần bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của nhân dân, tăng cường tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hưng, bên cạnh yếu tố thuận lợi, công tác triển khai thực hiện Luật TCTT trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng đã phát sinh một số tồn tại, vướng mắc như: Một số cán bộ, công chức, viên chức làm đầu mối cung cấp thông tin tại cơ quan, đơn vị chưa được trang bị kỹ năng cần thiết và tập huấn chuyên sâu để triển khai hiệu quả nhiệm vụ cung cấp thông tin; điều kiện về cơ sở vật chất và các điều kiện khác để hỗ trợ người khuyết tật trong TCTT tại các cơ quan, đơn vị chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức.

Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học công nghệ và các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ, đa dạng về hình thức tiếp cận và việc Thủ tướng chính phủ thông qua các chương trình, đề án về truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật. Điều này đã đặt ra yêu cầu ngày càng cao về cơ sở vật chất cũng như năng lực của cán bộ phụ trách cung cấp thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin cho công dân, vừa đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng, vừa đảm bảo nội dung đầy đủ, chính xác.

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị

Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Vụ Pháp luật hình sự - Bộ Tư pháp tiếp tục có sự xem xét, nghiên cứu, hoàn thiện cũng như tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với các quy định về TCTT trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tạo thuận lợi trong quá trình triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn cũng như đáp ứng yêu cầu TCTT ngày càng lớn và đa dạng của tổ chức và người dân hiện nay.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được báo cáo viên của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện cung cấp thông tin theo quy định của Luật TCTT, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về TCTT và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP nhằm đảm bảo việc triển khai thi hành Luật được thống nhất, đạt chất lượng, hiệu quả hơn.

Đồng thời trình bày các nội dung quy định của Luật TCTT, về quyền TCTT của người dân, những thông tin được quyền tiếp cận, những thông tin không được tiếp cận, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc công khai các thông tin cho người dân; hướng dẫn một số kỹ năng và lưu ý quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo quyền TCTT của người dân.

Thông qua hội nghị nhằm giúp cán bộ, công chức ở cơ sở xác định rõ hơn tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin cho người dân, giúp người dân hiểu rõ các quy định pháp luật, các công việc mà cơ quan quản lý nhà nước làm để đảm bảo quyền làm chủ của người dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền ở cơ sở.

Đọc thêm