Khóa tập huấn năm nay có sự tham gia của 40 giáo viên và tình nguyện viên dạy tiếng Việt trở về từ 9 quốc gia trên thế giới. Đây là hoạt động thường niên nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng sư phạm, cập nhật kiến thức cho các giáo viên chuyên và không chuyên đang dạy tiếng Việt tại các cơ sở tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
|
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông cho biết, trong những năm qua, Khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các giáo viên, tình nguyện viên đến từ nhiều nước; cho thấy nhu cầu dạy và học tiếng Việt của cộng đồng ta ở nước ngoài rất lớn.
Nhấn mạnh ngôn ngữ là hồn cốt của dân tộc, là cầu nối gắn kết các thế hệ người Việt dù ở bất kỳ nơi đâu, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Đông khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ dân tộc, thúc đẩy giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nổi bật, Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị luôn là kim chỉ nam cho công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có các hoạt động hỗ trợ cộng đồng gìn giữ văn hóa và tiếng Việt.
Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan trong nước là sự chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn của cộng đồng người Việt Nam ở nhiều địa bàn để tổ chức và duy trì các lớp dạy tiếng Việt. Nhờ đó, tại một số nơi, cùng với sự vận động tích cực của cơ quan đại diện Việt Nam, sự phối hợp hiệu quả của cộng đồng, chính quyền đã công nhận tiếng Việt như một ngôn ngữ giảng dạy trong nhà trường.
Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Đông cho biết, phong trào dạy và học tiếng Việt đã có những bước tiến tích cực nhưng vẫn còn một số khó khăn và thách thức, đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực ở cả trong và ngoài nước để công tác này ngày càng hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng ta ở nước ngoài cũng như sự kỳ vọng của đất nước.
Tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2030. Đề án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú và thực chất, bước đầu tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ của phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, Cuộc thi tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài, qua 2 năm tổ chức, đã lựa chọn và tôn vinh 10 gương mặt tiêu biểu tận tâm và cống hiến trong công tác lan tỏa tiếng Việt ở nước ngoài.
Qua các Khóa tập huấn, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Đông mong muốn mỗi học viên sẽ là những sứ giả đích thực trong truyền bá tình yêu tiếng Việt đến với mỗi kiều bào, gia đình và cộng đồng nhỏ, gieo tình yêu ngôn ngữ dân tộc cho thế hệ trẻ, để ngôn ngữ trở thành sợi dây gắn kết, tạo thành khối đoàn kết ở trong và ngoài nước.
|
Khóa tập huấn kéo dài từ nay đến 15/12 tại Hà Nội. |
Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài là hoạt động thường niên, nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng sư phạm, cập nhật kiến thức cho các giáo viên chuyên và không chuyên đang dạy tiếng Việt tại các cơ sở tiếng Việt của cộng đồng.
Khóa tập huấn năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức, diễn ra từ ngày 1-15/12/2024, tại Hà Nội; có sự tham gia của 40 giáo viên và tình nguyện viên dạy tiếng Việt về từ 9 quốc gia trên thế giới.
Các học viên sẽ tham dự các hoạt động chính gồm: Tập huấn trên lớp về phương pháp giảng dạy tiếng Việt do các giảng viên của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đứng lớp; tọa đàm "Chia sẻ phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài"; dự giờ tại trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội; tham quan một số di tích lịch sử, văn hóa tại Hà Nội (viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan Phủ Chủ tịch; thăm Văn Miếu - Quốc Tử giám, Hoàng thành Thăng Long, các bảo tàng) và một số địa phương...