Tập thể vững chãi hơn cá nhân nổi bật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc các cựu binh như Hùng Dũng, Tiến Dũng, Hoàng Đức… phải ngồi dự bị cho các nhân tố trẻ tại vòng loại World Cup 2026 khiến nhiều cổ động viên không hài lòng với chiến thuật của ông Troussier. Nhưng hiện tại ông thầy người Pháp đã đúng khi ông có một trận thắng và một trận thua trước đối thủ mạnh Iraq với tỷ số 1-0.
Huấn luyện viên Philippe Troussier. (Nguồn ảnh: VFF)
Huấn luyện viên Philippe Troussier. (Nguồn ảnh: VFF)

Sau trận đấu với Iraq, phóng viên đặt câu hỏi sao không cho Hoàng Đức vào sân. Huấn luyện viên (HLV) Philippe Troussier nói rằng mục tiêu của ông không phải là dùng nhiều cầu thủ trẻ trong đội hình, mà chọn ra 11 cầu thủ trên sân đá gắn kết, phù hợp nhất.

“Mọi người hay so sánh đánh giá cầu thủ về cá nhân, còn tôi có tiêu chí riêng của mình. Không thể nào đưa ra 11 cầu thủ xuất sắc mà những cầu thủ ấy không liên kết với nhau. Mục tiêu của HLV trưởng là phải xây dựng chiến thuật sao cho đồng bộ tập thể, tùy theo vai trò mà kết nối tốt. Ngoài ra, cũng cần cân bằng giữa các nhóm cầu thủ đá chính và dự bị.

Trước đây, nhiều HLV tiền nhiệm của tôi như Park Hang-seo, Henrique Calisto hay Toshiya Miura đã có thành tích tốt ở Đông Nam Á. Tại khu vực, chúng ta đã nằm trong nhóm đầu rồi. Mục tiêu của tôi là giúp đội tuyển Việt Nam thi đấu tốt với các đội hàng đầu châu lục. Tôi đang rất nỗ lực. Thông qua trận này, dù tôi hài lòng với nỗ lực của cầu thủ, nhưng thực tế là vẫn có khoảng cách trình độ giữa Việt Nam và Iraq. Chúng ta cần chung tay, nâng cấp đồng bộ cho cả hệ thống thì đội tuyển cũng sẽ tốt hơn lên”, HLV Philippe Troussier kết lại.

Ông thầy người Pháp lý giải rất khoa học, nếu chơi ở Đông Nam Á, những “ngôi sao” như Hùng Dũng, Hoàng Đức có thể là nhân tố tích cực, nhưng khi chơi ở tầm châu lục với những đội bóng trình độ cao hơn, “ngôi sao” của đội tuyển Việt Nam không thể gánh được cả đội. Ông cần một tập thể vững mạnh và không có bóng dáng của “công thần”.

Cách sắp xếp đội hình chính là thông điệp của ông với các cầu thủ được gọi lên đội tuyển quốc gia, ông Troussier nhấn mạnh: “Tôi không phải lựa chọn cầu thủ dựa trên tên và những gì đã làm ở quá khứ. Tôi chọn tuỳ năng lực, khả năng đóng góp cho từng trận đấu, từng đối thủ”. “Tiền đạo không chỉ ghi bàn mà còn đóng góp cho tập thể thế nào, chơi thế nào. Mỗi trận có cầu thủ không được vào sân, thậm chí không được đăng ký là bình thường. Tôi nhấn mạnh là tôi không phải HLV chọn cầu thủ theo tên mà chọn theo đội hình phù hợp, cho từng trận đấu”, nhà cầm quân người Pháp nói.

Với 2 trận đấu vòng loại World Cup 2026 đã qua, chúng ta đã thấy được phần nào triết lý chơi bóng của ông. Đó là xây dựng một tập thể vững chãi, chứ không dựa vào cá nhân nổi bật. Đó là một cách huấn luyện “phá vỡ” truyền thống ở bóng đá Việt Nam, nhưng theo ông Troussier là xây dựng cho tương lai xa hơn.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định rằng để đội tuyển lọt vào World Cup 2026 là rất khó và cần có thời gian: “Bóng đá Việt Nam phải có một chiến lược cụ thể và dài hạn để đào tạo ra những cầu thủ có thể hình, thể lực sung mãn, có kỹ thuật cao, có tư duy hiện đại, có khao khát cùng với một HLV tài ba thực sự thì chúng ta mới hy vọng trong 20 hoặc 30 năm nữa mới có thể lọt vào vòng chung kết World Cup. Còn nếu không đào tạo ra những cầu thủ với một số yếu tố cơ bản như vậy mà nghĩ đến World Cup thì chúng ta quả là những kẻ hão huyền nhất mọi thời đại”.

Đọc thêm