Tập trung đối phó nợ công, nợ xấu

(PLO) - Nợ công, nợ xấu là nội dung trọng tâm của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hôm qua (29/10).
Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2014 tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức vì tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro và có những tác động, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của kinh tế nước ta. 
Vấn đề nợ công, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định vẫn trong giới hạn an toàn và thời gian tới, Bộ này sẽ triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ công để nâng cao hơn nữa tính an toàn, hiệu quả của nợ công. Theo Bộ Tài chính, nợ công có xu hướng tăng là do gia tăng các khoản vay để đầu tư phát triển và chi trả nợ. 
Hiện hơn 98% nợ công là để đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của đất nước, trong đó, nợ trong nước chiếm tỷ trọng lớn (51%) và có xu hướng tăng. Nợ nước ngoài chiếm khoảng 49%, đa phần là vốn vay ODA. Nợ trong nước thường có thời hạn ngắn và lãi suất cao hơn nên gây ra áp lực đối với cơ cấu thu, chi ngân sách. 
Bên cạnh đó, thời gian qua, bội chi tăng do huy động nguồn thu cho ngân sách giảm đi, có nguyên nhân do tăng trưởng chậm và giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp trong khi chi cho con người (như tiền lương, an sinh xã hội…) vẫn tăng. 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, việc xử lý nợ xấu thời gian qua đạt kết quả khả quan. Tính đến giữa tháng 9, nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng là 5,43% và đến cuối năm 2015 có thể đạt được mục tiêu đưa nợ xấu về mức 3%. Tăng trưởng tín dụng tiếp tục có những cải thiện trong những tháng gần đây, cụ thể đến ngày 20/8 tăng 4,07%; đến ngày 22/9 tăng 6,62% và đến ngày 20/10 tăng 7,46% so với cuối năm 2013 (cùng kỳ tăng 6,43%). 
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, khoản đầu tư vào trái phiếu Chính phủ của các tổ chức tín dụng không tính vào số liệu tăng trưởng tín dụng.
Trước tình hình nợ công, nợ xấu của nền kinh tế, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tập trung quyết liệt xử lý nợ xấu, dứt khoát kiểm soát đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép, đảm bảo cân đối ngân sách dành cho trả nợ; đồng thời Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài, bảo đảm nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu trong giới hạn cho phép (bằng 25% GDP). Thủ tướng cũng sẽ ban hành Chỉ thị về kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài.
Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ chỉ đạo NHNN tiếp tục lộ trình xử lý nợ xấu, giảm nợ xấu tính đến giữa tháng 9/2014 từ mức 5,43% xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015 như mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý và công cụ cho Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam làm tốt hơn việc xử lý nợ xấu, không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu...
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Vụ việc ông Hà Văn Thắm, trong quá trình giám sát thanh tra đối với các tổ chức tín dụng nói chung và Ngân hàng Đại Dương nói riêng đã phát hiện một số sai phạm của ông Thắm và đề nghị ngân hàng này khắc phục sau thanh tra. 
Trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, NHNN đã yêu cầu ngân hàng này thực hiện theo đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Dương, nhưng thời gian qua ông Thắm chưa khắc phục được các sai phạm đã phát hiện qua thanh tra mà lại phát sinh những sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nên Thanh tra NHNN đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra”.

Đọc thêm