Bao giờ thay thế Nghị định 84?
Chất vấn được coi là khá “hóc” do Đb Lê Thị Nga đưa ra trước QH. Bà Nga cho biết, đã 4 lần bà đưa vấn đề Nghị định 84 ra chất vấn QH, tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc sửa đổi Nghị định 84 vẫn chưa được ban hành. "Tôi cũng đã kiên nhẫn chờ đợi lời hứa này nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả... Cách sửa nghị định này cũng rất là khó hiểu, cứ mấy tháng đưa ra bàn thảo một lần xong là để đấy."
Câu hỏi ĐB Lê Thị Nga đặt ra cho Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Công thương là trách nhiệm của mình trong việc chưa thực hiện đúng lời hứa trước QH và cử tri về việc tiến độ sửa đổi nghị định 84.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận để đẩy mạnh hơn theo lộ trình điều hành giá thị trường thì sửa Nghị định 84 là cần thiết. Bộ trưởng cho biết, bản chỉnh sửa lần cuối nghị định sẽ sớm được ban hành trong 1, 2 tháng tới sau khi lần ý kiến lần cuối các thành viên Chính phủ.
Đb Lê Thị Nga |
Về chuyển vai trò điều hành giá xăng dầu thường trực sang Bộ Công thương, mà ĐB Nga nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho hay, việc này là bình thường và vẫn đảm bảo minh bạch.
Đồng quan điểm, khi được yêu cầu hỗ trợ chất vấn trong phần việc liên quan đến bộ mình, Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng cho biết, lâu nay, việc quyết định giá xăng dầu là vấn đề của liên ngành. Trước đây Bộ Tài Chính đề xuất, Bộ Công thương cho ý kiến góp ý. Tới đây, Bộ Công thương sẽ là người khởi xướng, đề xuất, sau đó hỏi ý kiến Bộ Tài chính. Về bản chất thì cả hai cách, đều phải cần sự thống nhất của cả hai bên mới có thể quyết định.
Về vấn đề chậm sửa đổi Nghị định 84 trong phần chất vấn của ĐB Lê Thị Nga, ông Hoàng cho biết Nghị định 84 đã tạo tiền đề thuận lợi trong việc xây dựng cơ chế giá theo thị trường có quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, văn bản này còn tồn tại nhiều bất cập và đòi hỏi một cơ chế mới bám sát hơn diễn biến thị trường thế giới, tần suất, điều chỉnh giá ngắn hơn. Bên cạnh đó, cần tạo thêm điều kiện cho hoạt động kinh doanh xăng dầu, tránh độc quyền và cơ chế nhằm sử dụng hiệu quả hơn Quỹ Bình ổn xăng dầu.
Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đang ở mức cao
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) về vấn đề chi đầu tư cho nông thôn, Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: Mức chi như vậy so với Ngân sách Nhà nước là cao.
Bộ trưởng Bộ Công thương hỗ trợ trả lời chất vấn trong buổi chiều nay |
“Mức chi của chúng ta tập trung bố trí nước sạch, giảm nghèo bền vững, chương trình 135, phát triển rừng… Với ưu tiên bố trí như trên, mỗi năm, mức chi tăng bình quân 21% . Đây là tỉ lệ cao hơn tốc độ tăng ngân sách Nhà nước. Nhu cầu rất lớn so với khả năng đáp ứng, nhưng cơ bản chi tăng.” Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Tài Chính cũng cho biết, để khuyến khích thu hút đầu tư, Chính phủ đã ban hành nghị quyết để khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, có nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ thị trường…
Giải pháp tiếp theo mà người đứng đầu ngành Tài chính cho biết về vấn đề đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là sẽ tiếp tục ban hành chính sách ưu đãi để tạo môi trường đầu tư, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. “Tóm lại, tuy chưa đáp ứng được yêu cầu của nông thôn, nhưng với Nghị quyết 26 là chúng ta đã hoàn thành.” – Bộ trưởng khẳng định.
Nợ công vẫn ở mức an toàn
Trả lời chất vấn về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: Nợ công vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Ông cho biết: Tỉ lệ chỉ tiêu nợ công trên GDP thay đổi không nhiều: năm 2010 là 51,7%. Năm 2013 là 53.4%. Cùng với tăng trưởng GDP, khả năng tiếp tục được duy trì tỷ lệ này.
Nói về thời điểm trả nợ, Bộ trưởng cho hay: “Theo cơ cấu nợ công, chúng ta có khoảng 50% lãi xuất thấp, xấp xỉ 50% còn lại là trái phiếu CP và các khoản vay khác – đây là các khoản huy động ngắn. Khoảng 30% huy động trong nước ở thời gian trả nợ 1-3 năm – đây là vấn đề phải bàn, phải tính. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ để có biện pháp cơ cấu lại nợ công. Cuối năm 2013, đầu 2014, chúng tôi đã có tính đến. Trái phiếu Chính phủ từ thời điểm đó đã tăng lên.”
Theo người đứng đầu ngành Tài chính, vấn đề đặt ra ở đây là công tác điều hành trong việc bố trí ngân sách trả nợ, huy động nguồn vay để tính đến việc trả nợ, vay dài hơi hơn.
“Từ nay đến 2018, nghĩa vụ trả nợ nằm ở mức cho phép.” Bộ trưởng khẳng định.
“Trong thời gian tới, tiếp tục đánh giá phân tầng đầu tư, vay, quản lý đồng tiền vay; Phòng ngừa chống lãng phí, giàn trải; Quản lý tiền vay, gắn với nó là các chương trình cụ thể; Hang năm Bộ Tài chính có báo cáo CP về hạn mức bảo lãnh; Trong quá trình điều hành, chủ động giảm bội chi; Thực hiện giải pháp để tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu. “ – đó là những giải pháp Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra để ứng phó với nợ công./.