Kịp thời phát hiện nhiều mâu thuẫn, chồng chéo
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị các thành viên của Tổ công tác tập trung đánh giá kết quả hoạt động năm 2020, trong đó lưu ý tới vấn đề về cách thức tổ chức công việc, hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực. Đánh giá hiệu quả phối hợp trong rà soát văn bản theo Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 7/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch rà soát VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập tổ công tác rà soát VBQPPL…
Thứ trưởng nhấn mạnh, năm 2020, Tổ công tác đã rà soát được khối lượng lớn các văn bản, trong đó đã phát hiện nhiều sai sót, mâu thuẫn, chồng chéo tuy nhiên mục tiêu cuối cùng là phải đề ra các giải pháp xử lý những tồn tại đó, từ đó tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật. Về hoạt động của Tổ công tác năm 2021, Thứ trưởng yêu cầu các thành viên cho ý kiến cụ thể về số lượng chuyên đề sẽ rà soát; chủ đề rà soát.
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ rà soát VBQPPL năm 2020, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Đồng Ngọc Ba cho biết mặc dù khối lượng văn bản thuộc đối tượng rà soát lớn, thời hạn thực hiện rà soát ngắn, quá trình thực hiện rà soát gặp không ít khó khăn, đặc biệt là dịch Covid-19, song Tổ công tác đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung nguồn lực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện rà soát văn bản thuộc trách nhiệm được giao. Bộ Tư pháp với vai trò là Cơ quan thường trực của Tổ công tác đã kịp thời đôn đốc, kết nối, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho các Bộ, ngành, cơ quan.
Kết quả rà soát VBQPPL đã cơ bản bám sát mục đích, yêu cầu và phạm vi rà soát đã xác định. Quà rà soát, Tổ công tác, các Bộ, cơ quan liên quan đã phát hiện, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn.
Tuy nhiên, Tổ công tác vẫn còn gặp một số khó khăn, tồn tại, hạn chế do phạm vi, khối lượng công việc lớn, thời hạn thực hiện tương đối ngắn; do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số hoạt động chưa thể thực hiện đầy đủ, hiệu quả như dự kiến.
Năm 2021, Tổ công tác dự kiến tập trung rà soát một số chuyên đề pháp luật về: kinh doanh bảo hiểm; đất đai; xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh; tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp; quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân theo quy định trong Hiến pháp năm 2013; các quy định pháp luật liên quan đến Luật thương mại năm 2005.
Góp ý về dự kiến kế hoạch công tác năm 2021, đại diện Văn phòng Quốc hội và Tòa án nhân dân tối cao đều cho rằng chuyên đề rà soát về quyền sở hữu tài sản theo quy định trong Hiến pháp năm 2013 là rất cần thiết, tuy nhiên nên mở rộng phạm vi của chủ đề theo hướng rà soát quy định về “quyền tài sản”, trong đó lưu ý tới các quy định về giá trị tài sản, quyền sở hữu tài sản khi phát sinh các tranh chấp…
Còn đại diện Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh hoạt động năm 2021 của Tổ cần xác định các nhiệm vụ hoạt động đảm bảo thực chất, hiệu lực, hiệu quả, xuyên suốt. Theo đó, cần lưu ý về tiến độ xây dựng kế hoạch hoạt động; các nhiệm vụ cần gắn với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật sẽ được ban hành tới đây; gắn với việc triển khai Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội mà Chính phủ ban hành hàng năm; bám sát tư tưởng, quan điểm tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng…
Cho ý kiến về chuyên đề rà soát năm 2021, đại diện Văn phòng Chính phủ cho rằng cần quan tâm tới việc rà soát các quy định đất đai gắn với đầu tư kinh doanh để phát hiện, kiến nghị sửa đổi các quy định đất đai còn gây cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh như giải ngân đầu tư công, giải phóng mặt bằng…để kịp thời có sửa đổi, bổ sung, tạo chính sách thuận lợi hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh Covid-19 diễn ra phức tạp.
Lựa chọn lĩnh vực rà soát mang tính kế thừa
Cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo kết quả hoạt động năm 2020, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh một trong những kết quả nổi bật Tổ công tác đạt được đó là đã rà soát được lượng lớn văn bản, phát hiện nhiều vấn đề được các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ động tiếp thu để sửa đổi, bổ sung kịp thời…
Trong năm 2021, Thứ trưởng yêu cầu Tổ công tác cần đổi mới cách thức tổ chức công việc chặt chẽ, hiệu quả hơn; chú trọng làm tốt việc xử lý các kết quả rà soát. Theo đó, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ phát huy tính chủ động trong xử lý các văn bản thuộc thẩm quyền của đơn vị; đối với văn bản thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn thì chủ động tham mưu xử lý. Đối với kết quả rà soát của Tổ, Thứ trưởng yêu cầu Cục Kiểm tra VBQPPL phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị để tham mưu Thủ tướng xử lý.
Đối với kế hoạch hoạt động năm 2021, cần lưu ý tới một số vấn đề trọng tâm là tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả của Tổ; tham mưu xử lý kết quả rà soát hiệu quả, giao trách nhiệm cụ thể cho từng Bộ, cơ quan. Tiếp tục triển khai công tác rà soát văn bản theo chuyên đề, trong đó chọn các lĩnh vực mang tính kế thừa, bám sát Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật; Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội mà Chính phủ ban hành hàng năm; các văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng; các chủ trương về xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã được xác định trong các Nghị quyết của Trung ương…
“Tinh thần chung để xác định các chuyên đề rà soát đó là tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; ứng dụng thành tựu của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phục vụ công tác xây dựng pháp luật gắn với hoàn thiện và thi hành pháp luật…”, Thứ trưởng lưu ý.