Tập trung mọi nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo chức danh tư pháp

Chính phủ vừa có thuyết minh gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xây dựng Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp (CDTP). Từ thực tiễn hiện nay, đào tạo các CDTP có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, phục vụ đắc lực tiến trình cải cách tư pháp.

Chính phủ vừa có thuyết minh gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xây dựng Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp (CDTP). Từ thực tiễn hiện nay, đào tạo các CDTP có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, phục vụ đắc lực tiến trình cải cách tư pháp.

Thẩm phán đọc bản kết tội tại một phiên tòa hình sự. Ảnh minh họa
Thẩm phán đọc bản kết tội tại một phiên tòa hình sự. Ảnh minh họa

Chưa có đột phá về chất lượng đào tạo

Trong những năm qua, công tác đào tạo các CDTP được chú trọng và đạt những thành tích nhất định. Tuy nhiên, trước yêu cầu của đời sống xã hội, nhất là việc cung ứng một cách đầy đủ, kịp thời về số cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp thì việc đào tạo các CDTP càng đòi hỏi phải có nhiều chuyển biến mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, Chính phủ cho biết, thời gian qua, công tác đào tạo các CDTP, nhất là đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trước năm 1998, đội ngũ các CDTP chỉ được trang bị những kiến thức pháp luật ở trình độ cao đẳng, đại học luật mà chưa qua đào tạo nghề. Việc bồi dưỡng cán bộ của ngành nào do ngành ấy thực hiện. Việc thành lập Trường đào tạo các CDTP đã mở ra mô hình đào tạo mới- đào tạo kỹ năng nghề nghiệp để tạo nguồn bổ nhiệm các CDTP.

Năm 2004, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Tư pháp được thành lập trở thành cơ sở đào tạo cho ba chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và một số chức danh tư pháp khác. Tuy nhiên, đến năm 2008, VKSNDTC đã không cử cán bộ đào tạo nghiệp vụ kiểm sát tại Học viện Tư pháp mà tiếp tục đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ của ngành tại Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, còn TAND vẫn tiếp tục gửi học viên đào tạo tại Học viện Tư pháp.

Việc đào tạo các CDTP theo hướng “thống nhất đầu mối đào tạo nghề nghiệp cho cán bộ có CDTP” bị gián đoạn. Công tác đào tạo CDTP vẫn chưa có sự ổn định về thể chế, chưa có sự thống nhất về định hướng đào tạo, quy mô đào tạo và chưa nhận được sự ủng hộ và phối hợp tối đa của các ngành tư pháp để tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo.

Những hạn chế, bất cập nêu trên của công tác đào tạo các CDTP theo Bộ Tư pháp có nhiều nguyên nhân, trong đó có quan trọng là chất lượng đầu vào của học viên thấp, không đồng đều do được đào tạo pháp luật cơ bản từ nhiều cơ sở đào tạo khác nhau, không ít học viên tốt nghiệp cử nhân luật từ các hệ chuyên tu, tại chức, mở rộng, từ xa.

Cơ sở đào tạo CDTP tương đối bị động khi phải tiếp nhận nguồn đầu vào chất lượng không đồng đều, khi phần lớn học viên các chức danh thẩm phán, kiểm sát viên đi học theo chế độ cử tuyển do đã là cán bộ của ngành tòa án, kiểm sát được cử đi học.

Thực tế này cho thấy cần phải có một thể chế thống nhất về đào tạo các CDTP, cụ thể hơn là xây dựng Pháp lệnh đào tạo một số CDTP.

Hướng tới đào tạo “ba chung”

Chính phủ chỉ rõ: xây dựng Pháp lệnh đào tạo một số CDTP tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để tập trung mọi nguồn lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo các CDTP, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có CDTP trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Chiến lược Cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế.

Quan trọng hơn là tạo tiền đề pháp lý cho việc đổi mới toàn diện hoạt động đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư với định hướng thi tuyển tư pháp quốc gia nhằm tuyển chọn nguồn đầu vào có chất lượng cho công tác đào tạo các CDTP; thực hiện việc đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trong một chương trình thống nhất nhằm trang bị mặt bằng kiến thức chung về chuyên môn, nghiệp vụ cho thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư để họ nhanh chóng thống nhất với nhau khi cùng tham gia vào một vụ việc; tạo cơ sở thực hiện chủ trương trong các Nghị quyết của Đảng về mở rộng tranh tụng, mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên từ luật sư, góp phần phục vụ việc luân chuyển giữa các CDTP.  

Đặc biệt, khắc phục tình trạng kém chất lượng trong đầu vào tuyển sinh, dự thảo Pháp lệnh quy định việc thi tuyển tư pháp để lựa chọn đối tượng đào tạo. Việc tổ chức kỳ thi trong phạm vi toàn quốc để lựa chọn những người đủ điều kiện tham gia các khóa đào tạo như: thành phần của Hội đồng tuyển sinh, các môn thi, hình thức thi, cách thức tiến hành kỳ thi.

Một trong những tồn tại của công tác Tư pháp được Nghị quyết số 08/NQ-TƯ của Bộ Chính trị chỉ rõ là do: “Công tác cán bộ của các cơ quan tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình hiện nay. Đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ và năng lực nghiệp vụ; một bộ phận tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, sa sút về phẩm chất đạo đức”. Nghị quyết đã khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, trong đó chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp tư pháp theo các chức danh.

Huy Hoàng

Đọc thêm