Tập trung trấn áp tội phạm ma túy trên toàn bộ các tuyến trọng điểm

(PLVN) - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (CSĐTTPMT) cho biết, qua nguồn tin của quần chúng Nhân dân cung cấp, Công an tỉnh Sơn La nắm được một nhóm đối tượng (quốc tịch Lào) tập kết số lượng lớn ma túy ở khu vực biên giới xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) cất giấu trong rừng và cử người canh gác, rồi tìm mối tiêu thụ, thẩm lậu ma túy vào tỉnh Sơn La. Quá trình vận chuyển, các đối tượng có mang vũ khí quân dụng.
Tang vật trong vụ án ma túy tại Sơn La ngày 17/12/2024. (Ảnh: Công an cung cấp)

Sau khi xác định đối tượng, nắm được quy luật hoạt động, phương thức, thủ đoạn, Công an huyện Sông Mã xin ý kiến Ban Giám đốc Công an tỉnh xác lập chuyên án, phối hợp Phòng CSĐTTPMT và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương tổ chức đấu tranh ngăn chặn, bóc gỡ.

Tối 17/12/2024, Ban chuyên án quyết định tổ chức lực lượng vây bắt các đối tượng tại khu vực giáp biên giới thuộc địa phận bản Puông, xã Chiềng Khương. Quá trình bắt giữ, các đối tượng đã dùng súng quân dụng và dao quắm chống trả quyết liệt lực lượng chức năng. Ban chuyên án đã khống chế thành công Vẳng Phôn Thong (SN 1998, quốc tịch Lào), thu 1 khẩu súng quân dụng, 1 hộp tiếp đạn có 1 viên đã lên nòng, 1 dao quắm. Các đối tượng còn lại lợi dụng trời tối, dùng vũ khí chống trả và bỏ chạy về phía bên kia biên giới.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 3 bao tải trọng lượng trên 43,5kg chứa 444.300 viên ma túy tổng hợp.

Cục CSĐTTPMT cho biết, là khu vực ảnh hưởng trực tiếp của tội phạm ma túy từ khu vực "Tam giác vàng", tuyến Tây Bắc luôn được xác định là tuyến trọng điểm, phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy của nước ta. Nguồn ma túy chủ yếu được vận chuyển từ "Tam giác vàng" qua các tỉnh của Lào rồi đưa về các tỉnh biên giới tiếp giáp với Việt Nam, khi có cơ hội các đối tượng vận chuyển ma túy qua biên giới vào các tỉnh Sơn La, Điện Biên.

Bên cạnh đó, một số đối tượng câu kết, móc nối hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào vào Việt Nam và đưa sang Trung Quốc tiêu thụ…

Trên tuyến Đông Bắc, tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy cũng đang có dấu hiệu phức tạp trở lại. Địa bàn này là nơi tập trung các đầu mối tiêu thụ; dễ phát sinh các điểm, tụ điểm lớn phức tạp về ma túy.

Thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều hơn tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Việt Nam sang Trung Quốc qua biên giới đường bộ (Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn). Một số điểm trên hàng rào biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc bị người dân phá làm đường mòn đi lại, các đối tượng cũng lợi dụng điểm này để vận chuyển ma túy.

Trên tuyến Bắc miền Trung - Tây Nguyên, tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Ma túy tiếp tục được mua bán, vận chuyển trái phép từ Lào, Campuchia vào địa bàn các tỉnh trên tuyến và ngày càng có diễn biến khó lường. Thời gian gần đây, phát hiện lượng lớn (hàng tấn) ma túy tổng hợp được một số đối tượng người nước ngoài mở xưởng điều chế, sản xuất ngay sát biên giới Việt Nam, sau đó vận chuyển vào Việt Nam rồi vận chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ.

Trên tuyến Tây Nam, tình hình tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng. Ma túy từ Campuchia vận chuyển qua tuyến biên giới Tây Nam tập trung là các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp; gần đây đang có xu hướng dịch chuyển sang tỉnh Bình Phước, An Giang… rồi tập kết tại các kho ở các tỉnh giáp ranh TP HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… sau đó trung chuyển về các kho ở các quận, huyện như: Quận 12, Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè… để ngụy trang trong các loại hàng hóa rồi dùng các Cty do các đối tượng thành lập để xuất đi nước thứ 3 tiêu thụ.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó các tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam vẫn là tuyến trọng điểm, phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma tuý. Phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động, liều lĩnh.

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục xuất hiện tình trạng các đối tượng lợi dụng tuyến đường hàng không, bưu điện để vận chuyển trái phép chất ma túy; lợi dụng tuyến đường biển, sử dụng tàu, thuyền đi đến vùng biển quốc tế giáp ranh Việt Nam để mua bán, giao nhận ma túy hoặc thả các bao, phao cứu sinh cất giấu ma túy có gắn định vị theo luồng nước sau đó thông báo cho các đối tượng trong đường dây theo định vị nhận ma túy; thả ma túy trôi trên biển để tẩu tán khi nghi ngờ bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ.

Cục CSĐTTPMT cho biết, trước tình hình trên, các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý đang tập trung đánh mạnh loại tội phạm này trên toàn bộ các tuyến trọng điểm.

Theo Cục CSĐTTPMT, trên tuyến hàng không, bưu điện, thời gian qua một số các đối tượng lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa, quà biếu (nhất là lợi dụng chính sách thông quan điện tử) để gửi hàng hóa cất giấu ma túy rất tinh vi, làm cho tình hình tội phạm về ma túy trên tuyến này diễn biến ngày càng phức tạp.

Tuyến đường biển cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng đặc biệt lớn. Năm 2024, tái diễn tình trạng ma túy trôi dạt ven biển các nhiều tỉnh, thành như: Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An…

Đọc thêm