Nhiều người mê nhạc Sài Gòn vẫn còn nhớ cái quán café Dương Cầm nho nhỏ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nơi ông thường ngồi hàng đêm độc tấu hoặc đệm đàn cho các ca sĩ biểu diễn. Người nghệ sĩ ấy dường như không đặt ra cho mình một giới hạn nào trong âm nhạc. Ông có thể đệm đàn cho các danh ca như Thái Thanh, Ý Lan, Khánh Ly, Ánh Tuyết, Cẩm Vân, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Khánh Hà…
Hay với những ca sĩ trẻ vô danh, ông vẫn có thể ngồi say mê đệm cho họ hát, nâng tiếng hát của nghệ sĩ bay cao. Cuộc đời mình, với cái tâm hồn say mê âm nhạc không vị kỉ, ông đã phát hiện biết bao tài năng trẻ, dẫn dắt họ từ lúc non nớt vào nghề, đến lúc danh vọng rỡ ràng, như 5 dòng kẻ, Đức Tuấn, Bích Hiền, Diệu Hiền…
Ở bên ông bình yên lắm, không ít nghệ sĩ đã thốt lên như vậy. Bởi, người nghệ sĩ già ấy có một tâm hồn bao la. Ông cảm được nỗi niềm của lớp hậu bối tìm đến mình, và dù họ có lăn lộn bao năm trong đời sống âm nhạc, nhiều người vẫn về nghe tiếng ông độc tấu dương cầm, hay nhờ ông đệm đàn, để tiếng hát được thăng hoa, để hồn được nương náu bình yên.Với rất nhiều nghệ sĩ, ông không chỉ là cây đại thụ, người đã sáng tác bao tình khúc bất hủ, vượt thời gian từ những năm 1940: “Tình khúc chiều mưa”, “Cô đơn”, “Tình yêu đến trong giã từ”...
Với các nghệ sĩ từ đẳng cấp đến chập chững vào nghề, ông là người cha đỡ đầu trong âm nhạc. Cả nghệ sĩ lẫn người yêu nhạc gọi ông là “bố Chín”. “Bố Chín” không nghèo nhưng vẫn cần mẫn đệm đàn, ngày ngày tháng tháng, trong khắp các phòng trà Sài Gòn, cho đến lúc gần ra đi về coi vĩnh hằng, ai cũng hiểu vì sao lại thế.
“Bố Chín” rất lành. Cái tính lành như dáng người và gương mặt ông vậy. Có lẽ, sự cố làm ông rầu lòng nhất là thời điểm ông có chút phát ngôn thẳng thắn, va chạm với Đàm Vĩnh Hưng vào năm 2013. Thời đó, cái tâm hồn hiền hậu vô nhiễm của ông bị cả một cơn sóng thị phi của showbiz ập vào. Nó làm người nhạc sĩ cả đời chỉ biết đàn, biết hát, biết sáng tác ngỡ ngàng, hoang mang. Suýt nữa thì ông rời bỏ làng nghệ thuật. Và may mắn, vẫn có tình yêu âm nhạc bền bỉ, có những “đứa con” thương mến níu ông về.
Còn nhiều, nhiều kỉ niệm về ông mà những người nghệ sĩ kể mãi không hết. Với “bố Chín” thì chỉ có ấm áp, có thương mến, có kính trọng… nói sao cho xiết. “Như cánh hoa mai vàng/ Tàn xuân nhạt phai sắc hương/Tiếng hát với cung đàn/ Chỉ còn dư âm vấn vương/ Lắng sâu vào bóng đêm những kỉ niệm ấm êm/ Tiếng dương cầm xót xa chìm trong quên lãng nhạt nhòa… “(Xa vắng tiếng dương cầm). Người rồi tan vào với đất, nhưng, kí ức về dáng đàn khắc khoải, về tiếng dương cầm ấy, những tiếng hát vút bay ấy sẽ còn xao xuyến mãi trong lòng người những thập kỉ về sau, về sau nữa.