“Tay cụp tay xòe” và câu chuyện về chất lượng giáo viên

Chất lượng học sinh, sự trung thực, thẳng thắng của học sinh, của một thế hệ tương lai của đất nước phụ thuộc vào chính trình độ, năng lực, đạo đức của người giáo viên. Vì thế, câu chuyện làm thế nào để nâng cao chất lượng của giáo viên đang là câu chuyện nóng của ngành giáo dục

Chất lượng học sinh, sự trung thực, thẳng thắng của học sinh, của một thế hệ tương lai của đất nước phụ thuộc vào chính trình độ, năng lực, đạo đức của người giáo viên. Vì thế, câu chuyện làm thế nào để nâng cao chất lượng của giáo viên đang là câu chuyện nóng của ngành giáo dục

Chuyện dài tay cụp, tay xòe

Khi bàn tới vấn đề đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam, ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải  nhận định học sinh Việt Nam hiện nay không tự tin, chịu sức ép lớn và đặc biệt tính trung thực không cao.

Có bao nhiêu học sinh tự tin?- ảnh minh họa
Có bao nhiêu học sinh tự tin?- ảnh minh họa

Đơn cử từ những việc tưởng như rất nhỏ như khi có người dự giờ, giáo viên kiểm tra bài sẽ để học sinh giơ tay, nhưng trước đó đã dặn các cháu nếu biết thì giơ thẳng, không biết thì cụp xuống, cô chỉ gọi những em giơ tay thẳng.

ĐH Sư phạm là nền tảng của giáo dục nên phải dạy sinh viên trung thực. Nền giáo dục đang có vẻ không tin nhau. Bộ không tin Sở, Sở không tin giáo viên, giáo viên không tin học sinh… Như vậy thì làm sao có thể phát triển.

“Tôi kêu gọi những trường sư phạm, nơi sinh ra đội ngũ giáo viên, phải làm thế nào để các thầy cô giáo từ bậc học mầm non trở đi phải coi việc giáo dục sự trung thực, thật thà cho học sinh là nhiệm vụ số một”.

 Ông Trần Hữu Nghị cũng cho rằng chương trình học, mục tiêu học tập chưa thực sự tốt là nguyên nhân dẫn tới việc quay cóp, gian lận thi cử phổ biến, nhờ nhau đi thi, người đi học không cần kiến thức, chỉ cần cái bằng.

“Có bột mới gột nên hồ”?

Nói về vấn đề này,  ông Nguyễn Văn Tuấn, GĐ Sở GD- ĐT Nam Định cho rằng, nếu quyết tâm làm thì chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ có chuyển biến. Ngành giáo dục chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng giáo dục nên cần đặc biệt chú ý cơ chế, chính sách để thu hút sinh viên giỏi vào trường sư phạm.

“Chất lượng đầu vào của các trường sư phạm hiện nay thấp. Ông cha ta đã nói có bột mới gột nên hồ, một học sinh trung bình lấy bằng điểm sàn không thể thành giáo viên giỏi sau 4 năm học ở ĐH Sư phạm. Thầy giỏi mới có trò giỏi, không có thầy giỏi thì chất lượng giáo dục không thể chuyển biến”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Ngọc - GĐ Sở GD-ĐT Lâm Đồng lo ngại về tình trạng các địa phương đào tạo giáo viên tràn lan. Ông Phan Văn Dũng – PGĐ Sở GD-ĐT Khánh Hòa cho biết, trong số 600 hồ sơ thi tuyển giáo viên mà Sở này nhận được trong năm qua thì trên 100 hồ sơ có kết quả tốt nghiệp xếp loại giỏi nhưng trong số đó không rơi vào những trường sư phạm trọng điểm.

Kết quả là có những em điểm tốt nghiệp rất cao được tuyển về dạy ở trường chuyên nhưng rất chật vật khi lên lớp. Sở buộc phải đề xuất nếu sau 1 năm không dạy được thì không ký hợp đồng.

Khẳng định trường luôn quan tâm đến việc đào tạo giáo viên giỏi, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh cho hay trường đang tìm mọi cách để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và thu hút sinh viên giỏi vào học.

Tuy nhiên, việc thu hút những em giỏi cần có chính sách ưu tiên đặc biệt. Và ông sẵn sàng cam kết trước xã hội về chất lượng đào tạo, nhưng cần có sự thay đổi trong việc công nhận bằng cấp, trong tuyển dụng và sử dụng, không thể đánh đồng chất lượng giữa các trường.

Sẽ không còn “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận: “Hiện học phí và học bổng không còn sức hút đối với sinh viên giỏi vào các trường sư phạm nữa mà phải là giải quyết việc làm. Sắp tới, Bộ sẽ có những chiến lược cụ thể nâng cao đầu vào, chất lượng đào tạo gắn liền với giải quyết việc làm cho giáo viên khi ra trường...”.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết sẽ có chính sách đãi ngộ đặc biệt thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Theo ông Ga, giáo viên phải thật giỏi thì mới có thể nâng cao chất lượng giáo dục. Nếu chỉ khuyến khích thí sinh bằng học bổng không thì không được bởi các em có thể vay vốn ưu đãi để học, ra trường làm lương cao có thể trả ngay.

Hiện học sinh giỏi không còn thiết tha với sư phạm bởi các em thấy học xong không có tương lai, không tìm được việc làm. Vì vậy, Bộ sẽ quy hoạch lại nguồn nhân lực. Một chiến dịch rà soát được thực hiện, xác định mỗi năm có bao nhiêu người về hưu, bao nhiêu sinh viên sư phạm ra trường, bao nhiêu trẻ được sinh ra, bao nhiêu trường thành lập... Trên cơ sở đó, Bộ sẽ quy hoạch lại nhu cầu giáo viên ở từng cấp học và mạng lưới các trường sư phạm.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Muốn đổi mới giáo dục khâu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Bản thân người thầy cũng phải thường xuyên đổi mới, đánh giá, cập nhật kiến thức để không tụt hậu so với học sinh.

Đồng thời, các nhà trường muốn tồn tại phải vươn lên, phải tạo áp lực từ bên trong. Vì giáo dục là đào tạo nhân lực nên phải đánh giá, sàng lọc giáo viên. Chính sách đối với cán bộ nhà trường không nên bình quân, thu nhập mỗi người phải phù hợp với hiệu quả đóng góp chứ không đơn thuần là thâm niên, bằng cấp. Phó Thủ tướng yêu cầu trước mắt ngành giáo dục địa phương có kế hoạch quản lý, kiểm tra làm rõ trách nhiệm các cấp trong việc khắc phục 3 vấn đề: thu chi, dạy thêm học thêm và thi tuyển sinh…

Uyên Na

Đọc thêm