Dừng xây dựng mới nhà máy
Một trong những mục tiêu lớn nhất mà Đề án “Phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” vừa được Bộ NN&PTNT công bố hướng tới là nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành mía đường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, từng bước hướng tới thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, đến năm 2020, Đề án cho biết diện tích sản xuất mía của cả nước sẽ giữ ổn định ở mức 300 ngàn ha, sản lượng mía trên 20 triệu tấn, sản lượng đường 2 triệu tấn. Trong khi đến 2030, tiếp tục giữ ổn định diện tích, tăng năng suất để đạt sản lượng mía 24 triệu tấn, sản lượng đường 2,5 triệu tấn.
Theo Đề án, 300 ngàn ha được quy hoạch trong đề án mới, vùng duyên hải Nam Trung bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ sẽ là 4 “đầu tàu” vùng nguyên liệu mía của cả nước. Trong đó, riêng Tây Nguyên chiếm tới 64,7 ngàn ha, với năng suất mía bình quân từ 60-70 tấn/ha, chữ đường bình quân đạt 11-12 CCS.
Đáng chú ý, với sản lượng đường hướng tới 2 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện là 1,3 triệu tấn, 0,7 triệu tấn đường trắng và đường khác, Bộ NN&PTNT khẳng định: từ giờ tới năm 2030 sẽ không xây dựng thêm bất cứ nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy là 174 ngàn tấn mía/ngày, phân theo từng vùng, trong đó, vùng Tây Nguyên dẫn đầu với 38,4 ngàn tấn mía/ngày, vùng duyên hải Nam Trung bộ 37,8 ngàn tấn mía/ngày, vùng duyên hải Bắc Trung bộ 35 ngàn tấn mía/ngày, vùng đồng bằng sông Cửu Long là 31,5 ngàn tấn mía/ngày.
Bộ NN&PTNT khẳng định sẽ tập trung đổi mới thiết bị công nghệ để thay đổi cơ cấu sản phẩm. Tăng tỷ lệ sản phẩm đường trắng, đường tinh luyện, nâng cao công suất ép và hiệu suất thu hồi. Bộ này yêu cầu tới năm 2020, có ít nhất trên 70% nhà máy có công suất trên 4000 tấn mía/ngày, rút ngắn thời gian ép bình quân còn 110-115 ngày/vụ.
Khuyến khích tận dụng phế phẩm
Nâng tỷ lệ đường tinh luyện, tận dụng các phụ phẩm từ sản xuất mía đường để sản xuất điện, cồn, phân vi sinh và các sản phẩm phụ khác để tăng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất mía đường, cũng là mục tiêu hết sức quan trọng mà ngành mía đường đang hướng tới.
Đề án Bộ NN&PTNT vừa công bố nhấn mạnh, sẽ khuyến khích các nhà máy đầu tư sản xuất các sản phẩm từ phụ phẩm sản xuất đường để nâng cao hiệu quả như: sản xuất điện từ bã mía, sản xuất cồn từ mật rỉ, sản xuất phân vi sinh hữu cơ từ bã bùn.
Theo Bộ quản lý nhà nước về nông nghiệp, dự kiến khối lượng bã mía được sử dụng để sản xuất điện khoảng 5,5 triệu tấn/năm (chiếm 90% lượng bã mía từ sản xuất đường) sẽ sản xuất được khoảng 1,1 triệu Kwh/năm, trong đó điện lên lưới đạt khoảng 20-30%. Qua đó, sẽ hình thành cụm công nghiệp mía đường và điện năng đối với các nhà máy có công suất từ 6000 tấn mía/ngày trở lên.
Trong khi đó, dự kiến khối lượng mật rỉ được tận dụng để sản xuất cồn là khoảng 200 ngàn - 220 ngàn tấn/năm, chiếm 22-24% lượng mật rỉ từ sản xuất đường, sản xuất được khoảng 56 ngàn kg cồn 100%/năm, tương ứng với 70 ngàn lít/năm. Bên cạnh đó, lượng bã bùn từ sản xuất đường dự kiến là 600 ngàn tấn/năm để có thể sản xuất thành 350 ngàn tấn phân vi sinh hữu cơ.
Để thực hiện thành công đề án, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ rà soát xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu mía theo hướng phát huy lợi thế vùng. Trong đó, xây dựng tiêu chí vùng nguyên liệu gắn với lợi thế của từng vùng, tương ứng với việc hình thành các trung tâm chế biến công nghiệp để tạo điều kiện rà soát, xây dựng, phát triển các vùng sản xuất mía nguyên liệu ở các địa phương. Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ được Bộ NN&PTNT xác định là vùng có lợi phát triển mía nguyên liệu.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng khẳng định sẽ tiếp tục rà soát những nhà máy, những vùng không có khả năng đáp ứng nguyên liệu để có thể di chuyển nhà máy đến vùng có lợi thế hơn. Cơ cấu lại sản phẩm chế biến theo chuẩn quốc tế (đường thô và đường luyện); Đẩy mạnh các hoạt động ngăn chặn đường nhập lậu một cách có hiệu quả, tập trung vào các đầu mối buôn lậu lớn và có chế tài xử phạt nghiêm khắc.