Tây Ninh: Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

(PLVN) - UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn sẽ được bồi dưỡng kiến thức pháp luật để nâng cao năng lực cạnh tranh, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh.
Tây Ninh: Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trên cơ sở Quyết định 1754/QĐ-UBND ngày 26/1/2021 của UBND tỉnh Tây Ninh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ quan, địa phương mình quản lý. Từ đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao hiểu biết, ý thức, thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật của các doanh nghiệp trong giai đoạn mới. Song song đó, thúc đẩy sự tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật kịp thời giúp DN phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Kế hoạch hướng đến 3 nội dung trọng tâm, cụ thể: Hoạt động cung cấp thông tin pháp lý; Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật; Hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp.

Để việc triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được nhanh chóng và kịp thời, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp ban hành quy định cụ thể về các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với từng bộ, ngành; Cụ thể hóa các chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để địa phương kịp thời ban hành triển khai thực hiện; bổ sung thêm chuyên mục cảnh báo rủi ro pháp lý đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; thường xuyên cập nhật, đăng tải một số bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp để các DN tham khảo

Cùng đó, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã đề xuất Bộ Tư pháp thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; làm rõ những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp giúp cho doanh nghiệp càng vững vàng hơn trong hoạt động của mình và tăng cường năng lực cạnh tranh của DN trong Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”; Đa dạng hóa các hình thức tư vấn pháp luật cho DN như: tổ chức các buổi tư vấn pháp luật thông qua hoạt động tư vấn trực tiếp, thành lập mạng lưới tư vấn viên pháp luật là những người am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm tư vấn để tư vấn cho các DN qua điện thoại, email và các hình thức khác nhằm kịp thời hỗ trợ pháp lý cho các DN khi có nhu cầu cần được tư vấn; Hướng dẫn việc xây dựng đội ngũ luật sư, tư vấn viên, cộng tác viên tư vấn pháp luật thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý để từng bước giúp DN tiếp cận thông tin pháp luật.

Đọc thêm