“Một vốn, bốn lỗ”
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vẫn đang rao bán cổ phần tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS). Theo đó, “ông lớn” này chấp thuận kết quả xác định giá trị phần vốn theo chứng thư thẩm định giá do Cty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam phát hành, còn hơn 7,9 tỷ đồng. Trong khi vốn góp của Vinachem tại VICS là 2.094.000 cổ phần, tương đương giá trị 20.940.000.000 đồng, chiếm 6,13% vốn điều lệ công ty.
Thực hiện chủ trương thoái vốn ngoài ngành, Vinachem rao bán tất tần tật số cổ phần này với giá bán tối thiểu là 3.900 đồng/cổ phần, chưa bằng một nửa mệnh giá. Chốt phiên hôm qua – 22/5, mã cổ phiếu VIG của VICS trên sàn Hà Nội giảm còn 3.500 đồng/cổ phiếu, mức giá tương đương một ly trà đá vỉa hè. Tuy vậy, mức này cũng là khả quan khi liên tục nhiều phiên trước đó cổ phiếu này chỉ xoay quanh ngưỡng hơn 3.000 đồng.
Theo Nghị định số 190/2013/NĐ-CP về Điều lệ và tổ chức hoạt động của Vinachem thì Tập đoàn phải có nghĩa vụ bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả, bao gồm cả phần vốn đầu tư vào công ty khác. Chiếu theo quy định này, không biết rồi đây lãnh đạo Vinachem sẽ “tự xử” thế nào?
Cùng thời điểm với Hóa chất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng rao bán hết phần vốn góp tại Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS). Cụ thể, vào ngày 4/6 tới đây, EVN sẽ tổ chức bán đấu giá gần 11,49 triệu cổ phiếu ABS, tương ứng 29% vốn điều lệ công ty. Đặt mức giá khởi điểm là 10.000 đồng một cổ phiếu, không biết cuộc đấu của EVN sẽ như thế nào khi mà cổ phiếu ABS thì tìm mỏi mắt trên các sàn chứng khoán chưa niêm yết cũng không ra giá vì chẳng có lấy một giao dịch.
Cho nên, ngày đấu giá thì đã đến gần, song kỳ vọng thu về hơn 100 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành của EVN xem chừng còn mờ mịt.
Mất bao nhiêu vốn nhà nước?
Không riêng Vinachem, EVN, còn nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác cũng một thời đua nhau đầu tư vào chứng khoán.
Còn nhớ tầm này năm ngoái, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) “khoe” đã bán thành công hơn 8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 8,23% cổ phần của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã SHS).
“Trong thời gian giao dịch diễn ra từ 4/6 đến 3/7/2014, giá cổ phiếu trung bình ở mức 9.000 đồng/cổ phiếu. Do đó, Tập đoàn ước thu về khoảng 72 tỷ đồng” – một bản tin trên website Vinacomin cho biết. “Thành công” này, nếu so với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tính sơ sơ cũng đã “lõm” khoảng 10 tỷ đồng.
Cũng đầu tư vào SHS còn có một “ông lớn” nhà nước khác – Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG). Và hơn 4 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,1% vốn điều lệ SHS do VRG nắm giữ cũng đã thoái “thành công” tương tự như Vinacomin.
Đầu năm ngoái, tại Nghị quyết 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ đã cho phép các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được phép thoái vốn dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi những khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.
Đánh giá cao quy định này trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế, tuy nhiên nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề về việc không thể không kiểm điểm trách nhiệm của những cá nhân, doanh nghiệp được Nhà nước giao quản lý vốn. Nghị quyết 15 ban hành ngày 6/3/2014, đến ngày 15/7/2014 Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 69/NĐ-CP về tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo đó, đã quy định rõ việc lãnh đạo bị miễn nhiệm khi để công ty mẹ không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giao trong 2 năm liên tiếp hoặc kinh doanh thua lỗ, có số lỗ phát sinh đến mức quy định tại điều lệ…
Thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhưng cũng cần tổng kết lại xem họ đã làm mất bao nhiêu vốn nhà nước sau những làn sóng đầu tư tràn lan vừa qua để người dân được biết.