Té ngã nhưng tự dùng thuốc ở nhà, người phụ nữ phải cấp cứu

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Té ngã nhưng tự điều trị tại nhà, nữ bệnh nhân 61 tuổi bị tụ dịch, áp xe đùi phải vào viện cấp cứu.

Bác sĩ thăm hỏi bệnh nhân - Ảnh: BVCC
Bác sĩ thăm hỏi bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Trước nhập viện 1 tuần, bệnh nhân bị té ngã tư thế ngồi trước cửa nhà, sau té ngã bệnh nhân hoàn toàn không đau. 3 ngày sau bệnh nhân thấy hơi sưng vùng mông đùi trái, ấn vào cảm giác tức.

Sau đó bệnh nhân có đi khám lấy thuốc tại 1 phòng mạch gần nhà với chẩn đoán chấn thương phần mềm, dùng thuốc không thấy đỡ nên người nhà tự ra nhà thuốc mua loại thuốc mạnh hơn.

Sau 7 ngày tự điều trị, triệu chứng không những không thuyên giảm mà còn nặng hơn, sưng to vùng mông đùi trái kèm đau nhức nhiều. Bệnh nhân được người nhà đưa đến cấp cứu tại một bệnh viện tại TP HCM.

Tại đây, bệnh nhân nhanh chóng được khám chuyên khoa và chỉ định các xét nghiệm, Xquang, siêu âm cần thiết. Sau khi được thăm khám kĩ lưỡng kết hợp các kết quả hình ảnh bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị áp xe mặt ngoài đùi trái.

Sau hội chẩn và cân nhắc các nguy cơ, bệnh nhân có chỉ định mổ bán cấp, tháo dịch mủ vùng đùi trái. Do bệnh nhân bị rối loạn đông máu nên quá trình phẫu thuật rất khó cầm máu.

Sau mổ 1 ngày, bệnh nhân còn đau và dịch nhiều, được đặt băng kín hút chân không (VAC) theo dõi thêm. Sau 5 ngày mở VAC, vết mổ trên đùi trái giảm dịch, tuy nhiên xuất hiện khối sưng đau tụ mủ mặt trước gối.

Bệnh nhân được hội chẩn khẩn trương và sát sao, kĩ lưỡng, các bác sĩ quyết định phẫu thuật rạch tháo mủ lần 2, giải quyết tối đa các ổ áp xe. Sau mổ 1 ngày, vết mổ giảm đau giảm dịch tiết, đường huyết ổn... Hiện bệnh nhân đã được xuất viện sau khâu da 3 ngày, vết mổ khô, lành tốt, không đau, đường huyết ổn định

Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, đối với bệnh nhân lớn tuổi cho dù bị chấn thương nhẹ sau khi sơ cứu uống thuốc tại địa phương bệnh tình không đỡ mà còn tăng dần thì nên đến cơ sở y tế có đầy đủ chuyên khoa để khám phát hiện và xử lý kịp thời không để hậu quả về sau.

Chấn thương phần mềm gây tụ máu tụ dịch trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch đặc biệt bệnh nhân tiểu đường dễ gây ra áp xe hóa, phải xử trí kịp thời nếu không nhiễm trùng lan rộng gây ra nhiễm trùng huyết ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân

Bệnh nhân đái tháo đường nên điều trị thường xuyên tại cơ sở y tế có chuyên khoa nội tiết để theo dõi và điều chỉnh đường huyết được tốt nhất thì vấn đề chấn thương được điều trị dễ dàng và rút ngắn được thời gian điều trị.

Đọc thêm