Tết là để trở về

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bắt đầu từ 20 tháng Chạp dường như Tết đã ở rất gần: “20 làm tốt, 21 xỏ tai, 22 đeo bông, 23 đưa về”. Với tục cúng ông Táo, Tết Nguyên đán bắt đầu với nhiều sự chuẩn bị trong gia đình cho đến giao thừa và ngày mồng Một Tết, con cháu sum vầy đông đủ, chúc thọ, mừng tuổi, trao quà...
Tết là để trở về

Tết không chỉ trong ký ức

Tết xưa của người giàu ở phố cổ Hà Nội quan trọng nhất là mâm cơm tất niên, ngoài bánh chưng, dưa hành thì không thể thiếu món canh bóng tôm nõn, cà cuống, măng tây của Pháp nấu cua bể. Ông Phạm Ngọc Giao là con trai thứ 4 trong 8 người con của chủ tiệm vàng “Sư Tử” nổi tiếng nhất nhì phố Hàng Bạc một thời. Bố mẹ ông là cụ Phạm Văn Thanh - Phạm Thị Tề từng là người nổi tiếng tài giỏi trong giới buôn vàng bạc của miền Bắc. Năm 1936, từ 2 lạng vàng đi vay, bố mẹ ông Giao đã gây dựng nên 1 tiệm vàng nổi tiếng khắp miền Bắc. Thuở ấy, miền Nam nổi tiếng với tiệm vàng Kim Thành, thì miền Bắc được mọi người biết đến tiệm vàng Sư Tử trên phố hàng Bạc.

Năm nào cũng vậy, sau Tết ông Công, ông Táo, dù bận rộn với công việc buôn bán vàng bạc nhưng cụ Phạm Thị Tề luôn tự tay gói bánh chưng, chuẩn bị một cái Tết tươm tất cho gia đình. Đến năm 90 tuổi, cụ Tề vẫn minh mẫn, gói cả trăm cái bánh chưng cho người nước ngoài xem vào những ngày cận Tết.

Theo ông Giao, ngày xưa người dân Hà Nội gọi là ăn Tết chứ không phải chơi Tết. Trong đó, quan trọng nhất là bữa ăn tất niên, tập hợp tất cả mọi người của cả gia tộc. Bữa ăn này thường tổ chức vào chiều 30 Tết, trước thời khắc giao thừa.

Trong ký ức của một công tử nhà giàu Hà Nội thời xưa, điều đọng lại sâu nhất với ông Giao là sự cầu kỳ của mâm cơm ngày Tết, với những món ăn ít xuất hiện trong những ngày thường. Canh bóng trong các gia đình khác thường sử dụng bì lợn nhưng nhà ông Giao có điều kiện hơn nên sử dụng tôm nõn cùng nhiều nguyên liệu khác, làm nên bát canh bóng đặc biệt, in mãi trong trí nhớ của ông.

Là một trong những “đại gia” Hà Nội thời đó nên mỗi khi Tết đến, trong mâm cơm nhà ông Giao còn có món măng tây được nhập khẩu từ Pháp, thường được bán ở phố Hàng Buồm. Những cây măng đựng trong chiếc hộp vuông và nấu với cua bể, xào với thịt bò, ăn một lần là nhớ mãi.

Món ăn “đặc biệt” nữa khiến nhiều người trong gia đình ông thích thú vào mỗi dịp năm mới là bún thang. Bún thang nhà ông Giao còn được ăn cùng với cà cuống, bọng tinh dầu cà cuống rất thơm, làm món bún dậy mùi, hấp dẫn. Mâm cơm ngày Tết cũng không thể thiếu những món ăn truyền thống như bánh chưng, dưa hành, cá kho, thịt đông… Tất cả đều do mẹ ông tự tay làm. Ngoài những món ăn chính còn có các món chè tráng miệng: Chè kho, chè bà cốt ấm nóng rất hợp với những ngày Tết lạnh giá…

Và trong ký ức nhiều người còn nhớ, chập tối hôm cuối cùng của năm âm lịch, xưa kia, nhà nhà đóng cửa sớm. Song ở thành phố, nhất là ở Hà Nội xưa, còn có hoạt động của các chú bé đi “xúc xắc xúc xẻ”. Đó là những cậu bé, thường là con nhà nghèo, đi chúc Tết. Mỗi nhóm gồm 2-3 người, mặc áo dài, người cầm bó hương, người cầm một ống nứa dài khoảng 60-70cm, trong đó có một số đồng tiền bằng kim loại. Đến cửa mỗi nhà, chú thì xóc ống đựng tiền đó, chú thì đọc lời chúc tụng:

Xúc xắc xúc xẻ/Nhà nào còn đèn còn lửa/ Mở cửa cho chúng tôi vào/ Bước lên giường cao/ Thấy con rồng thấp/ Bước xuống giường thấp/ Thấy con rồng chầu/ Bước ra đằng sau/ Thấy nhà ngói lợp/ Trâu ông còn buộc/ Ngựa ông còn cầm/ Ông sống một trăm/ Thêm năm tuổi lẻ/ Vợ ông sinh đẻ/ Những con tốt lành/ Những con như tranh/ Những con như rối/ Ông ngồi ông đối một câu/ Ve vẻ vè ve/ Cái bè qua sông/Ông đi thuyền rồng/ Bà đi thuyền chúa/ Năm nay tốt lúa/ Thiên hạ được mùa.

Người trong nhà thường thưởng cho các chú một ít tiền. Khi đó, người ta mở cái cửa nhỏ hình tròn, thò tay ra bỏ vào ống nứa một số tiền, cũng bằng kim loại. Các chú lại kéo nhau sang nhà khác và chỉ trở về nhà khá muộn, trước giờ giao thừa.

Những con đường trở về nhà

Còn với GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì có quá nhiều thứ để nhớ về Tết xưa, nhưng ông nhớ nhất là nồi bánh chưng. Gia đình ông bao giờ cũng gói và nấu bánh chưng đúng đêm ba mươi Tết. Hơi ấm của củi lửa và các thế hệ quây quần xua tan tiết trời giá lạnh. “Sau này, do phải đi công tác, nhiều lần ăn Tết xa nhà nhưng lúc nào tôi cũng thương nhớ Tết của gia đình, quê hương. Đó là Tết của hội ngộ, sum vầy, yêu thương, đoàn viên, hòa giải (làng xóm cãi nhau nhưng Tết là hóa giải/thuận hòa), là lời chúc tụng cầu mong điều tốt lành cho nhau”...

Ngày Tết sum vầy ở các miền quê có âm thanh eng éc của tiếng lợn kêu, rồi lao xao cảnh đụng lợn, chia phần. Có tiếng nổ tí tách nơi bếp lửa hồng của nồi bánh chưng xanh. Bên mâm cỗ của ngày giáp Tết, có đủ các âm thanh rộn rã: tiếng cười nói râm ran; tiếng lanh canh, lách cách của cốc chén, bát đĩa; tiếng mời chào ấm áp, thân thương. Trong hương vị ngày Tết, vừa thưởng thức những món ăn ngon đậm đà hồn Việt, người ta vừa chúc tụng nhau những điều tốt đẹp nhất, đồng thời động viên nhau về những run rủi đã qua. Tết không chỉ là dịp đoàn tụ mà còn là “khoảng lặng” để con người trở nên bao dung, thơm thảo. Khi mà những bất hòa, mâu thuẫn xích mích, Tết đến người ta sẵn sàng xí xóa, độ lượng cho nhau…

Tết là một vòng tuần hoàn, qua đi rồi trở lại như bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhưng chỉ có Tết mới dịu dàng đưa người ta trở lại ký ức tuổi thơ, trở về những ngày xưa yêu dấu của mình. Tết như một dây neo gắn kết đời người với nguồn cội, tổ tiên, nâng niu mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” đã từng nuôi dưỡng ta một thời gian khó đầy thương nhớ. Đó là những năm tháng hiền hòa của tuổi thơ, dù có vất vả đến đâu thì “ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”. Những năm tháng ấy, cha mẹ tần tảo lo bữa no, bữa đói cho các con, lo ngày Tết các con có manh áo mới… Bao kỷ niệm đã ăn sâu vào tâm thức mỗi con người về tình người chan chứa của người thân, xóm làng…

Ngày Tết, người ta chỉ nói những điều tốt đẹp nhất và cầu mong cho nhau những điều an lành, may mắn, hạnh phúc, toại nguyện nhất. Có lẽ chẳng ở đâu lại có vô vàn lời chúc và những ước mong tươi tắn cho nhau như Tết. Tết là thời khắc người Việt dành tặng nhau những lời hay ý đẹp, thành tâm cầu chúc, hy vọng cho nhau những điều tốt đẹp. Dù thực tế cuộc sống còn muôn vàn lo toan thì những lời chúc ấy vẫn nồng ầm, hồn hậu như món ăn tinh thần để mỗi người bước sang năm mới nhiều tốt lành!

Và như thế, Tết cổ xưa hay hiện đại thì Tết vẫn luôn hiện hữu theo vòng quay của thời gian! Ngày Tết vừa là sum họp, vừa là lễ hội lớn nhất trong năm. Ngoài kia, những ga tàu, bến xe, sân ga chiều cuối năm, bao người con đang chộn rộn trở về. Bởi dù chúng ta ở đâu, thì quê hương vẫn nằm trong tim của mỗi người. Và ngày Tết, những đứa con xa nhà, dù thành công hay còn nhiều gian nan, vẫn thu xếp, hối hả để được về bên mẹ, bên cha, bên ông bà, tổ tiên, nguồn cội của mỗi con người trong chiều 30 Tết đoàn viên. Tết thiêng liêng và trân trọng là thế…

Đó là mong muốn trở về với nơi “chôn nhau cắt rốn”, bao kỷ niệm, kỷ vật còn hiện hữu trong nếp nhà xưa, mảnh vườn xưa. Dù mỗi con người có đi thật xa với bao biến động đổi thay trong đời, thì mái nhà xưa dường như vẫn nguyên ở đó, đợi bạn trở về. Nơi “nước mắt chảy xuôi”, nơi mỗi con người được yêu thương, vỗ về. Dù cuộc sống có nhiều đổi thay thì những người thân vẫn luôn ở đó, như không hề có những tổn thương, nghiệt ngã, mất mát mà mỗi con người đến những khoảng thời gian nào đó đều phải đi qua trong đời... Tết dịu dàng, thương nhớ là thế…