Gia đình bà Lê Thị Lê Thủy (62 tuổi), ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh đang háo hức đứng ở sảnh chờ sân bay, chốc chốc lại ngóng lên bảng đèn điện tử báo chuyến bay hạ cánh. Bà Thủy cho biết, cả gia đình đang đi đón đứa con gái út từ Mỹ về quê ăn Tết. Con gái bà lấy chồng và sang Mỹ đã 8 năm, do phải bận rộn học tiếng, thi quốc tịch, mưu sinh bận rộn nên đây là năm đầu tiên về Việt Nam ăn Tết sau đằng đẵng bao nhiêu năm xa quê.
“Lần này nó về mang theo chồng với đứa con gái 5 tuổi. Là cháu ngoại mà nó lớn bấy nhiêu tui mới gặp mặt nó. Nhớ con, nhớ cháu nên từ lúc nó báo về ăn Tết là tui nôn nao tới giờ. Đi đón cùng tui có hai chị, một anh trai với mấy đứa cháu nó. Chồng tui thì mất gần 10 năm nay rồi” - bà Thủy chia sẻ. Máy bay hạ cánh, nhiều gia đình đã được đoàn tụ cùng thân nhân, trong đó có gia đình bà Thủy. Những cái ôm siết, những giọt nước mắt ngày đoàn tụ làm sân bay những ngày cuối năm càng ấm áp hơn.
Đối với nhiều người Việt sống xa quê, Tết luôn gợi lên hình ảnh ngôi nhà thân thuộc, nơi có cha mẹ, ông bà, người thân đang chờ đợi. Dù đã quen với nhịp sống hiện đại tại nước ngoài, không ít kiều bào vẫn đau đáu về một cái Tết truyền thống đúng nghĩa.
Còn những người lớn tuổi, hành trình về quê ăn Tết còn là cơ hội tìm lại những ký ức tuổi thơ. Ông Nguyễn Văn Hoàng (65 tuổi), kiều bào tại Đức, trở về quê sau 6 năm vắng bóng. Nơi ông đến vào dịp Tết này là căn nhà xưa của ba mẹ ông ở phường Phước Long, thành phố Thủ Đức. Cha mẹ đã mất từ lâu, em trai ông và gia đình sống ở đây và giữ hương hỏa.
“Hai mươi năm xa quê, ở xứ người cũng phải mưu sinh vất vả nên thi thoảng tôi mới về Việt Nam được, mà cũng toàn tranh thủ, chỉ có năm nay mới về vào dịp Tết, xúc động lắm. Bây giờ tóc đã bạc, tay đã run. Nhưng khi về đến ngôi nhà xưa, mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn như trong trí nhớ, tình cảm của bà con anh em, xóm giềng vẫn ấm áp như ngày còn ở Việt Nam”, ông Hoàng kể.
Nhiều kiều bào chia sẻ rằng, quyết định trở về ăn Tết không chỉ là mong muốn gặp lại gia đình, mà còn là cách để nuôi dưỡng sợi dây gắn kết văn hóa cho thế hệ sau.
Với những đứa trẻ sống ở nước ngoài, Tết Việt là cả một thế giới kỳ diệu vì được học cách gói bánh chưng, biết đến ý nghĩa của mâm ngũ quả, cùng gia đình đi chùa cầu may hay nhận những bao lì xì đỏ thắm. “Chúng tôi rất vui khi thấy con hào hứng học nói tiếng Việt, tò mò hỏi về phong tục Tết. Các cháu cũng rất thích khi được đi ngắm đường hoa, chụp hình ở phố Ông Đồ, rất thích thú khi được mặc áo dài truyền thống Việt. Dù các cháu lớn lên ở nước ngoài, nhưng điều này giúp chúng hiểu rằng chúng có một nguồn cội để tự hào”, anh Tuấn, một kiều bào tại Úc chia sẻ.
Hành trình về quê ăn Tết của kiều bào không phải lúc nào cũng thuận lợi. Những chuyến bay kéo dài hàng chục giờ, sự khác biệt múi giờ hay thậm chí chi phí cao vẫn không ngăn được khát khao đoàn tụ. Đây không chỉ là chuyến đi về mặt địa lý, mà còn là hành trình trở về với cội nguồn, với những ký ức và tình cảm thiêng liêng. Với những người con xa xứ, Tết Việt chính là dịp để nhắc nhở rằng, dù ở đâu, Việt Nam vẫn luôn là “nhà”. Không chỉ là niềm vui của gia đình, những dịp đoàn viên này còn giúp trẻ em Việt kiều trân trọng gốc gác của mình, từ đó hình thành ý thức giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc.