Cách động Puông (Ba Bể) chừng 4km theo dòng sông Năng nhập vào hồ Ba Bể. Và tiếp tục theo sông đi tiếp chừng 2,5km để đến bản người Tày Hua Tạng (xã Nam Mẫu, Ba Bể) tại nơi tiếp giáp xã Đà Vị, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, mà theo tiếng địa phương có nghĩa là Đầu Đẳng. Tại đây thuyền không thể đi tiếp vì dòng sông Năng bị những khối đá lớn nhỏ xếp chồng trên một đoạn dài gần 2km chia dòng nước thành nhiều dòng nhỏ chảy xiết tạo nên một thác Đầu Đẳng vừa bề thế vừa ngoạn mục.
Thác Đầu Đẳng chỗ rót nước cao nhất 53m đổ toàn bộ nước sông Năng xuống những khối đá vôi lớn nằm chồng lên nhau và chia làm 3 đoạn: Đoạn thứ nhất nước từ trên cao xối mạnh và khúc khuỷu; đoạn thứ hai, nước rẽ thành hai dòng; đến đoạn thứ ba, thác lại chảy lững lờ giữa những tảng đá, êm đềm và thơ mộng. Du khách sẽ rất ngạc nhiên thú vị khi phía sau dòng sông hiền hòa bỗng hiện ra một thác nước hung hãn tung bọt trắng xóa. Giữa thiên nhiên hoang sơ và kỳ vĩ, con người bỗng cảm thấy mình yếu đuối và nhỏ bé.
Ông Chúc Y Và, dân tộc Dao, khu dân cư Nà Đèo thôn Bản Lục, xã Đà Vị, nhà cách thác Đầu Đẳng không xa cho biết, cả ngày lẫn đêm tiếng thác vẫn vang xa hàng mấy km. Như vậy mọi người có thể hình dung ra một cột nước lớn đổ từ hồ cao Ba Bể, qua sông Năng xuống thác Đầu Đẳng dựng đứng toàn đá tảng, chảy vào hồ sinh thái Na Hang. Sự va quyện giữa nước và đá, tạo ra tiếng thác hùng vĩ. Căn cứ vào “tiếng hú” rợn người của thác mà người dân biết được thời tiết sắp mưa hay không. Nhiều chú cá năng to hàng chục kg rơi từ trên thác xuống, va vào các tảng đá ngầm, choáng còn nổi bụng lên. Người dân mang thuyền săn cá ở phía hạ lưu. Vào dịp tháng 3 đến tháng 4 hàng năm, sau những trận mưa đầu mùa trút xuống, từng đàn cá lại đua nhau vượt thác, tạo nên cảnh tượng kỳ thú “cá vượt vũ môn”. Và chính sự nguy hiểm của con thác này, mà ngành du lịch Bắc Kạn đã cho làm lan can sắt, để hạn chế sự tò mò của du khách. Trước kia đã có rất nhiều người, cả du khách nước ngoài trượt chân xuống bị dòng nước nhấn chìm xuống đáy, mắc vào khe đá, thiệt mạng.
Dẫn đoàn đi tham quan thác Đầu Đẳng bằng thuyền máy, Bí thư Đoàn xã Đà Vị Vi Văn Tuân kể, trước kia có một con đường mòn men ngược sông Năng lên thác Đầu Đẳng, sang hồ Ba Bể. Nhân dân 2 xã Đà Vị và Nam Mẫu vẫn giao lưu với nhau bằng con đường mòn xuyên rừng quốc gia Ba Bể. Nhưng từ khi xây dựng Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, cốt nước dâng cao ngập đường mòn. Giờ những hộ kinh doanh thuyền máy của xã đón khách đi thăm thác Đầu Đẳng, hồ Ba Bể từ bến cầu Đà Vị. Thuyền đi khoảng 45 phút là có thể đến được thác Đầu Đẳng. Sau đó du khách tiếp tục đi bộ theo con đường mòn bê tông dải sỏi trống trơn khoảng 500 m là đến tầng thác đẹp.
Chị Ma Thị Nhiệm (ngụ thị trấn Na Hang) cùng chồng con trải nghiệm một tour từ Tuyên Quang sang Bắc Kạn chia sẻ: “Thấy mọi người đi về bảo đẹp lắm nên cũng muốn đi. Chị bảo phấn khởi nghe tin Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang và Ba Bể đang làm hồ sơ chung trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Hai tỉnh đang hợp tác rất chặt với nhau trong chương trình hợp tác du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”, kết quả là lượng khác tăng cao.
Phó Chủ tịch UBND xã Đà Vị, ông Hà Văn Hoàn khẳng định Đà Vị là xã trung tâm khu vực của huyện Na Hang. Xã tiếp giáp 8 xa thì có 4 xã của Bắc Kạn. Tiềm năng du lịch của Đà Vị rất lớn với những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp nằm kề sát với xã Hồng Thái. Xã có tiềm năng nuôi cá lồng, khai thác thủy sản lòng hồ, buôn bán giao thương tại chợ trung tâm Đà Vị. Ngoài ra Đà Vị đang có hướng liên kết với xã Hồng Thái (Na Hang), Nam Mẫu (Ba Bể) tạo ra trung tâm du lịch cộng đồng, khai thác cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc của toàn vùng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.