“Thạch Quỳ - Tuyển tập thơ” dày dặn gồm ba phần: Những bài thơ thuở ban đầu, Thơ viết trong và sau chiến tranh, Thơ cho thiếu nhi, gồm 198 bài thơ tuyển trong gia tài thơ của ông.
Nói về Thạch Quỳ, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn có lần nhận xét: “Xứ Nghệ sản sinh vô số nhà thơ nổi tiếng, nhưng chủ yếu thành danh lập nghiệp nơi đất khách quê người. Cả đời chỉ sống bên dòng sông Lam mà vẫn định vị một sự nghiệp thơ như Thạch Quỳ là trường hợp hiếm hoi”.
Đúng như vậy, tôi biết nhà thơ Thạch Quỳ, mê mẩm thơ ông đã lâu, nhưng thời gian diện kiến ông không nhiều. Đong đầy may mắn nhưng cũng không thiếu thiệt thòi. Nhà thơ Thạch Quỳ sinh trưởng trong dòng họ Vương có truyền thống hiếu học. Từ tên thật Vương Đình Huấn, ông bước vào làng thơ bằng bút danh Thạch Quỳ vì muốn làm một hòn đá trên núi Quỳ quê hương.
Nhà thơ Thạch Quỳ tên thật là Vương Đình Huấn, sinh năm 1941 tại làng Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô lương, tỉnh Nghệ An – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã cho ra mắt 8 tập thơ: Sao và Đất (in chung cùng nhà thơ Quang Huy - 1967); Tảng đá và nhành cây (1973); Nguồn gốc cơn mưa (thơ thiếu nhi 1978); Con chim Tà vặt (1985); Cuối cùng vẫn một mình em (1996); Đêm Giáng sinh (2004); Tuyển thơ Thạch Quỳ (2009); Bức tượng (2010). Trong hơn nửa thế kỷ xuyên suốt từ chiến tranh chống Mỹ đến nay, ông chỉ nhất mực gắn bó với thơ, ngổn ngang trăm mối cùng với những thăng trầm của đất nước.
Làng Đông Bích, xã Trung Sơn thật đặc biệt. Họ Vương ở quê hương ông thật đặc biệt. Dòng họ này có các nhà thơ như Vương Đình Trâm, thành danh như Vương Trọng hay nhà thơ – TS. Vương Cường, em trai ông.
Như một cách tự giới thiệu, nhà thơ Thạch Quỳ từng viết một bài thơ miêu tả tỉ mỉ: “Núi Quỳ bé mà sao nhiều đá thế/ Tuổi chăn bò hốc đá trú mưa/Hoa chổi rụng dưới cánh ong bò vẽ/Đá trắng phơi đầy trời nắng trưa/Em cắt củi chưa đầy đôi lạt buộc/Đã ngồi nghiêng trên đá, tím môi sim”.
Có lẽ, chính sự im lặng của đá và sự nhẫn nại của đá, đã dạy Thạch Quỳ làm thơ. Chứ thời đi học, nhà thơ Thạch Quỳ vốn giỏi toán. Sau khi tốt nghiệp Đại học Vinh, thầy giáo Vương Đình Huấn cũng có đến 11 năm dạy Toán ở trường trung học trước khi chuyển qua công tác ở Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An rồi đùng đùng bỏ đi… cuốc nương canh rẫy. Bây giờ, nhà thơ Thạch Quỳ đã ngót nghét 80 tuổi, chả làm gì nữa, nhưng cái tính gàn, “rất Thạch Quỳ” vẫn y nguyên.
Đọc lại toàn bộ thơ Thạch Quỳ, điều dễ nhận nhất là cái khí chất mạnh mẽ và đầy bản lĩnh của một cây bút từng trải: “Trơ trơ tảng đá/Đá đổ mồ hôi/Biết hay không biết/Lầm lì mồ côi”, (Tảng đá); “Cả cái chết đợi chờ tôi trước mặt/Hù dọa tôi, tôi chấp nhận lâu rồi”, (Tôi).
Thạch Quỳ là một con người đầy kiêu hãnh - một sự kiêu hãnh hết sức chính đáng. Bởi anh nói rất trung thực bản tính và tài năng của mình: “Tôi đầy ứ, thẳng căng, tôi mạnh khỏe/ Tôi cao hơn đất đá mọi công trình/ Tôi không phải sơ đồ bản vẽ/ Tôi cao hơn người máy, thần linh” (Tôi); “Toàn bộ loài cây – một cau mọc thẳng/Toàn bộ loại chim – một cò thân trắng” (Đêm vườn rừng)". Đọc những câu thơ này, tôi chợt nhớ đến “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ: “Trong triều ai ngất ngưởng bằng ông!” Đó là cái ngất ngưởng, cái kiêu hãnh của những người chân tài.
Thật ra thì Thạch Quỳ rất tự biết mình: “Không bé nhỏ tầm thường, không vĩ đại/ Có thể vứt đi trong xó tối u buồn/Có thể đứng trên đôi chân vững chãi/Tôi một mình, tôi lớp lớp triều dâng…(Tôi)". Mặc dù trải qua bao gian nan, thử thách song anh vẫn không nguôi khát vọng: “Từng đối mặt với bạo tàn, chết chóc /Máu trào tuôn, sẹo đóng tự trong hồn/Tôi mệt mỏi đến không còn sợ chết/Nhưng vẫn lòng ham sống thật tôi hơn”. Anh khảng khái tuyên bố: “Những đau khổ không làm tôi gục xuống”, (Tôi)". Có người nói đùa: ruột Thạch Quỳ còn thẳng hơn ruột ngựa, tính cách Thạch Quỳ còn rắn hơn cả những tảng đá ở núi Quỳ!
Thạch Quỳ không chỉ có thế. Anh là nhà thơ của những suy tư, trăn trở: “Bàng hoàng giữa một ngày/Mình sống hay chẳng sống?”, (Không đề); “Nghìn năm mưa đã từng mưa/Thấm vào viên sỏi hay chưa thấm vào?”, (Lời nghìn năm); “Tôi chờ ai nữa? Mùa thu rộng/Gió thả bên trời lá liễu bay” (Mây trắng mùa thu)…". Anh là nhà thơ của những triết lý, chiêm nghiệm: “Lưỡi gươm ròng ròng máu tươi/Nước mắt ướt đầm yên ngựa/Chỉ có đất với trời và cỏ/Hiểu đường đi của giọt máu người”, (Qua đền Cuông ghi chuyện cũ); “Cụ đi tìm chân kinh/ Ở thứ kinh không chữ”, (Bên mộ Nguyễn Du); “Với Lan Châu ngấn sóng ánh trên tường/Luôn luôn động theo nhịp trời, nhịp biển”, (Trở lại Lan Châu); “Cái nghèo xơ trên bộ cánh làm sang/Cái nghèo xác lại nằm trơ đáy đĩa”, (Cái nghèo)…".
Không chỉ triết lý, dự báo, dự cảm, Thạch Quỳ còn là nhà thơ của tình yêu lứa đôi: “Trời đã tết. Khói xanh mờ bụi nước/Góc vườn con, hoa mận đã đơm khuy/Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc/Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về”, (Đợi em ngày giáp tết); “Anh yêu em hơn thần thánh yêu nhau/Một khẽ chạm tay, rung toàn cơ thể”, (Không đề); “Đó là chiều nắng nhạt lá thông rơi/Đó là sớm kim chi màu cỏ biếc. Tôi trở lại sau mười năm cách biệt/Bên em trước cỏ lặng yên ngồi”, (Huế)…".
Tập thể NXB Nghệ An chúc mừng nhà thơ Thạch Quỳ |
Xứ Nghệ nói chung, Nghệ An nói riêng có nhiều người thành danh và nổi danh về thi ca, từ cổ chí kim; trong đó có Thạch Quỳ. Cái cứng rắn, cái thẳng thắn, cái khảng khái trong thơ Thạch Quỳ thể hiện cốt cách của người miền Trung rõ nét hơn cả. Điều đó đã góp phần quan trọng giúp cho thơ ông có sức lan tỏa và sức sống lâu bền. Thơ ông có “cốt cách” như con người Thạch Quỳ. Mỗi người đọc đều ngộ ra và thích thú điều gì đó trong thơ ông, riêng tôi nhìn thấy trong thơ ông sự vạm vỡ của tư tưởng nhưng cũng không kém phần tinh tế và tài hoa trong thi ảnh.
Nhà thơ Đoàn Xuân Hòa, một học trò cũ, đồng nghiệp thơ của nhà thơ Thạch Quỳ nhận xét: “Thạch Quỳ sinh ra để làm thơ, gắn bó với thơ như một sứ mạng. Thơ ăn vào người Thạch Quỳ, vắt kiệt Thạch Quỳ”; “Thơ ông tự trút bỏ xiêm y, rườm rà, ý nghĩ, tư tưởng của nhà thơ vượt ra ngoài ký tự, đa biến, giàu triết luận”.
Thơ Thạch Quỳ, bản ngã Thạch Quỳ được nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu khám phá và phát hiện. Và cuộc sống, nhiều hiện thực đã được chứng minh qua dự cảm của ông hơn 50 năm trước đây. Điều đó cho thấy, thơ cao hơn, xa hơn sự hiểu biết của con người, đó mới là thơ của “thánh đường”.
Đêm giới thiệu “Thạch Quỳ - Tuyển tập thơ”, thêm một lần tôn vinh “tượng đài” thi ca Thạch Quỳ.