Trong khuôn khổ Hội nghị COP27, Việt Nam tiếp tục thể hiện những nỗ lực nhằm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào 2050, hướng tới đóng cửa các nhà máy điện than và chuyển đổi năng lượng công bằng.
Nỗ lực đóng cửa các nhà máy điện than
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27) ở Ai Cập, tại buổi thảo luận bàn tròn do Tổ chức Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á tổ chức, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên & Môi trường) nhấn mạnh, Việt Nam là nước cam kết phát thải ròng bằng “0” vào 2050 và cần chuyển đổi năng lượng.
Mục tiêu nhằm thảo luận sâu về việc dừng các nhà máy điện than để đạt phát thải ròng bằng “0” ở khu vực vào giữa thế kỷ; các thách thức của các quốc gia Đông Nam Á nhằm hướng tới một tương lai ít phụ thuộc và điện than hơn.
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường thảo luận về thách thức chuyển dịch năng lượng công bằng tại Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị COP27. (Ảnh: Cục Biến đổi khí hậu) |
Hiện nay, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 với mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Đồng thời, Việt Nam đã đệ trình Đóng góp các quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022, tổng lượng phát thải giảm 43,5% so với thường lệ (Business As Usual - BAU) năm 2030 (đóng góp có điều kiện).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi lớn, với tiềm năng phát triển điện gió có thể nâng lên 600GW.
Trên những cơ sở đó, Việt Nam đang đàm phán với các quốc gia G7 về Tuyên bố chính trị Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), và hy vọng cuối năm sẽ hoàn thành.
Theo Bloomberg, tiếp nối Indonesia và Nam Phi, Việt Nam có khả năng tiếp cận với gói tài trợ khí hậu trị giá ít nhất 11 tỷ USD để chuyển dịch nền kinh tế năng lượng từ than đá sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo đó, Việt Nam và các nước tài trợ, dẫn đầu là Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh, đang hướng tới công bố thỏa thuận tài trợ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng tại hội nghị cấp cao EU-ASEAN vào ngày 14/12. Giá trị gói tài trợ có thể lên tới 14 tỷ USD, trong đó từ 5-7 tỷ USD sẽ đến từ các khoản vay và trợ cấp công, phần còn lại từ các nguồn tư nhân.
Trước Việt Nam, Nam Phi đã nhận được gói hỗ trợ trị giá 8,5 tỷ USD từ JETP tại Hội nghị COP26 năm ngoái, còn Indonesia cũng đã công bố thoả thuận hỗ trợ trị giá 20 tỷ USD tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) mới đây tại Bali (Indonesia).
Việt Nam là nước thứ 3 tham gia đàm phán JETP – gói tài chính lớn nhất toàn cầu hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển hiện vẫn có ngành kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào than đá nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
Bà Julia Behrens, Giám đốc Dự án Khí hậu và Năng lượng châu Á của tổ chức Friedrich Ebert Stiftung Việt Nam, khẳng định rằng, nếu thoả thuận JETP được đàm phán thành công thì đây là một cơ hội lớn để cải thiện hạ tầng lưới điện tại Việt Nam.
Cần lộ trình cụ thể cho sự chuyển dịch công bằng
Trong một báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nêu rõ: Thế giới phải hành động nhanh chóng để giảm đáng kể lượng khí nhà kính từ than đá nhằm ngăn ngừa các tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi hành động chính sách kịp thời để huy động nguồn tài chính lớn cho các giải pháp năng lượng sạch thay thế than đá và để đảm bảo quá trình chuyển đổi hợp lý và công bằng, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Báo cáo liệt kê các quốc gia phụ thuộc nhiều vào than đá và quá trình chuyển đổi công bằng có thể gặp nhiều thách thức nhất bao gồm: Indonesia, Mông Cổ, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Nam Phi.
Giám đốc điều hành IEA, Fatih Birol, cho biết: “Hơn 95% lượng tiêu thụ than trên thế giới đang diễn ra ở các quốc gia đã cam kết giảm lượng khí thải xuống mức 0%. Trong khi nhiều chính phủ đã có những phản ứng chính sách đáng khích lệ đối với việc mở rộng nguồn năng lượng sạch nhằm đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay".
"Vấn đề lớn còn tồn đọng là chưa giải quyết triệt để được số lượng lớn các tài sản liên quan đến than hiện có trên toàn thế giới”, ông Birol nhấn mạnh.
Tại Hội nghị G20, ông Bill Hare, Giám đốc điều hành của Tổ chức Phân tích khí hậu (Climate Analytics) nhận định rằng sự chuyển dịch công bằng là cần thiết và ngay bây giờ.
Cần có giải pháp chuyển đổi nghề cho các công nhân ngành than. (Ảnh: Reuters) |
“Việc G20 nhận ra sự cần thiết phải cắt giảm khí thải và hạn chế sự nóng lên ở ngưỡng giới hạn 1,5 độ C sẽ tạo động lực cho các chính phủ tham gia COP27 đồng thuận về một kết quả mạnh mẽ hơn. Bây giờ chúng ta cần G20, nhóm phát thải lớn nhất thế giới, thực hiện những gì họ đã cam kết và cắt giảm sâu lượng khí thải cần thiết, và quan trọng là ngừng trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta cần sự chuyển đổi công bằng ngay bây giờ.”, ông Hare nói.
Về những thách thức Việt Nam đang phải đối mặt để thực hiện được JETP, ông Tăng Thế Cường cho biết: Trước tiên là Việt Nam vẫn còn thiếu các công nghệ để chuyển đổi năng lượng, cần hợp tác với các nước khác sản xuất hydrogen, phát triển công nghệ lưu trữ khí thải CO2 (CCUS).
Để đẩy nhanh quá trình phát thải ròng bằng “0”, Việt Nam có nhu cầu nguồn lực lớn và cần hỗ trợ từ các đối tác, đặc biệt là tài chính để giải quyết vấn đề các dự án nhà máy điện than chưa hết vòng đời. Một nhà máy cần 30 - 40 năm vận hành.
Trong bối cảnh tăng dần điện gió, điện mặt trời, cách thức đền bù đối với các nhà máy điện than mới xây dựng và vận hành mà phải đóng cửa sớm như thế nào.
Đặc biệt là phần “công bằng” trong JETP thì cần chuyển đổi nghề cho các công nhân đang làm trong ngành khai thác than sang những nghề khác có thể duy trì cuộc sống bền vững của họ.
Còn ông Abhishek Bbhaskar, Trưởng nhóm chương trình Quỹ đầu tư khí hậu (CIF-ACT) chia sẻ rằng, để huy động nguồn lực tài chính cho các quốc gia thực hiện chuyển đổi năng lượng, các quốc gia cần xây dựng những kế hoạch với mục tiêu cao nhất về giảm phát thải, như Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), quy hoạch điện; đưa các ưu tiên thành cần ưu tiên chiến lược.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cần có chiến lược tổng thể và đóng góp từ phía đối tác phát triển. Việc nâng rộng quy mô triển khai cần có lộ trình cụ thể.