Kỳ vọng trước thềm Hội nghị COP27

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thành công của Hội nghị COP26 năm 2021 là đã đạt được những thỏa thuận quan trọng nhằm tăng cường hành động và tài trợ cho biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, mục tiêu quan trọng tại Hội nghị COP27 và các hội nghị về khí hậu sau này là làm sao thúc đẩy việc hiện thức hoá những cam kết dựa trên tình hình của các quốc gia.
Kỳ vọng trước thềm Hội nghị COP27

Hội nghị COP27: Tiến trình tiếp nối COP26

Hội nghị COP27 sẽ tập hợp các quốc gia lại với nhau để thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm thực hiện các cam kết đối phó với khủng hoảng khí hậu.

Trong khuôn khổ các sự kiện bên lề trước thềm Hội nghị COP27, mới đây, Trung tâm Bảo vệ tầng ô-zôn và Phát triển kinh tế carbon thấp (CCOZONE) phối hợp với Nhóm Làm việc về Biến đổi Khí hậu ở Việt Nam (CCWG) đã tổ chức Hội thảo thường niên Pre-COP 27 với chủ đề “Lộ trình thực hiện các cam kết về khí hậu”.

Tại hội thảo, đại diện các đại sứ quán, các cơ quan chức năng, các tổ chức, chuyên gia và các bên liên quan đã cùng chia sẻ thông tin và trao đổi liên quan đến các vấn đề về biến đổi khí hậu, kết quả thực hiện COP26 tại Việt Nam và trên thế giới, cũng như những mục tiêu chính của Hội nghị COP27 tới đây.

Các đại biểu dự Hội thảo thường niên Pre-COP 27 với chủ đề “Lộ trình thực hiện các cam kết về khí hậu”

Các đại biểu dự Hội thảo thường niên Pre-COP 27 với chủ đề “Lộ trình thực hiện các cam kết về khí hậu”

Ông Ronald Bohlander, Tham tán Khí hậu, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, đánh giá: Một trong những thành tựu lớn nhất tại COP26 là hình thành Thoả thuận Glasgow giữa 192 quốc gia, chiếm khoảng 92% nền kinh tế thế giới, với cam kết giảm phát thải khí nhà kính, giữ cho nhiệt độ trái đất không vượt quá 1,5 độ C.

Trong những tuần vừa qua, các quốc gia đã có thể hiện nhiều động thái, nỗ lực lớn trong việc rà soát lại những hoạt động trong COP26, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), tổ chức các phiên thảo luận nhằm chuẩn bị cho Hội nghị COP27 sắp tới.

Theo ông Bohlander, trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều thách thức, nếu các nước vẫn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những cam kết tại COP26 thì thế giới vẫn có thể đạt được những mục tiêu về khí hậu, bao gồm các mục tiêu về giảm nhẹ; thích ứng và khắc phục thiệt hại, tổn thất; tài chính; và hợp tác.

Đồng tình, ông Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ tầng ô-zôn và Phát triển kinh tế carbon thấp, thuộc Cục Biến đổi khí hậu (BĐKH), Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), cũng khẳng định: “Sự thành công của COP26 là hình thành những cam kết. Do đó, tầm quan trọng của COP27 và những COP sau này là thúc đẩy thực hiện những cam kết đó thành hiện thực, ví như các cam kết về tài chính, giảm nhẹ khí nhà kính, ...”

Chia sẻ về ý tưởng chung của Hội nghị COP27 tại Ai Cập, bà Amal Abdel Kader Elmorsi Salama, Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam, cho biết: Hội nghị COP27 là một tiến trình tiếp nối của Hội nghị COP26, nhằm tiếp tục thực hiện và tăng cường hợp tác giữa các bên, chứ không phải một sự kiện đơn lẻ, tách biệt.

Trong đó, Hội nghị năm nay sẽ ưu tiên các vấn đề về thích ứng, khắc phục tổn thất, giáo dục, nâng cao tham vọng khí hậu của các bên. Đồng thời, đặc biệt chú trọng những vấn đề khó khăn mà các quốc gia đang phát triển đang gặp phải, đơn cử an ninh lương thực, thích ứng BĐKH trong nông nghiệp, giải pháp thích ứng bền vững trong quá trình đô thị hoá, giảm tổn thất và lãng phí nguồn nước, tăng cường năng lực của các cộng đồng dễ bị tổn thương, thanh niên, và phục hồi hệ sinh thái.

Các cuộc đàm phán tại COP27 đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo mục tiêu 1,5°C

Các cuộc đàm phán tại COP27 đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo mục tiêu 1,5°C

Quyết tâm của Việt Nam

Đến nay, Việt Nam được nhiều quốc gia đánh giá là “điểm sáng” trong các tham vọng và hành động nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu.

Theo bà Chu Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Cục BĐKH, Bộ TN&MT, không phải sau COP26 mà từ rất sớm, Việt Nam đã có những chính sách về BĐKH. Cụ thể từ năm 2011, chính phủ đã ban hành nhiều luật, chính sách, chiến lược ở cấp quốc gia và cấp địa phương về BĐKH.

Tại COP26, Việt Nam đã có những cam kết quan trọng, bao gồm: Cam kết về Đưa phát thải ròng về "0” vào năm 2050; Không xây mới điện than từ 2030 và loại bỏ dần điện than từ 2040; Tuyên bố về rừng và sử dụng đất (sáng kiến của Anh); Tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu; và Giảm 30% khí thải methane vào 2030 so với mức năm 2030 (sáng kiến của Hoa Kỳ).

Ngay sau COP26, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đã ban hành những chính sách, chiến lược hành động để tạo cơ sở cụ thể hoá những cam kết của mình. Động thái đáng chú ý là việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Thành viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng/ Lãnh đạo một số Bộ, ngành.

Đến nay, Ban Chỉ đạo đã tổ chức họp 3 lần nhằm đưa ra những chỉ đạo, quyết sách quan trọng cho việc thực hiện cam kết của Việt Nam. Có thể kể đến một số văn bản quan trọng như: Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030…

Trên cơ sở đó, chính phủ quyết liệt chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động, đề án triển khai thực hiện các cam kết COP26 của Việt Nam.

Hội nghị COP27 sẽ được tổ chức tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập, dự kiến từ ngày 6 – 18/11/2022. Bên cạnh các hoạt động theo quy định của Công ước, Nghị định thư Kyoto, Thoả thuận Paris, nước chủ nhà Ai Cập đưa ra các hoạt động theo chủ đề nhằm thúc đẩy hợp tác và tạo đồng thuận đối với các vấn đề khó khăn trong đàm phán. Theo đó, 10 chủ đề sẽ được tổ chức gồm: Ngày về tài chính; Ngày về thích ứng và nông nghiệp; Ngày về nước; Ngày về khử carbon; Ngày về khoa học; Ngày về giải pháp; Ngày về giới; Ngày về năng lượng; Ngày về đa dạng sinh học; Ngày về thanh niên và các tổ chức xã hội khác. Các cuộc đàm phán tại Sharm El-Sheikh đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo mục tiêu 1,5°C.

Đọc thêm