Thách thức đối với người làm thi hành án

(PLO) - Có nhiều nguyên nhân dẫn đến án tồn đọng, trong đó có cả những nguyên nhân khách quan vượt khỏi “tầm tay” Cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) mà không thể miễn giảm hay một cơ chế “thanh lý” nào khác.
Các chấp hành viên Chi cục THADS thành phố Tuyên Quang trao đổi nghiệp vụ. (Ảnh minh họa)

Án để “treo” vì người phải thi hành không có tài sản

Xu hướng chung của nhiều địa phương trong cả nước là lượng án phải thi hành cả về việc và về tiền thụ lý năm sau đều cao hơn năm trước, có những nơi tăng đột biến. Tỷ lệ giải quyết hàng năm tại nhiều địa phương cũng tăng cao nhưng số án chuyển kỳ sau vẫn còn lớn. 6 tháng đầu năm, số việc chuyển kỳ sau của cả nước là 353.399 việc, số tiền chuyển kỳ sau 119.317 tỷ 480 triệu 169 nghìn đồng. 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến án tồn đọng được nhắc đến nhiều nhất là do người phải thi hành án không có tài sản; đang chấp hành hình phạt tù dài hạn, không có thu nhập. Kể cả những người đã ra tù nhưng không có việc làm, không có thu nhập hoặc mức thu nhập chỉ đủ đảm bảo đời sống tối thiểu của họ.

Đặc biệt là với các vụ án ma túy, nhiều trường hợp do buôn bán ma túy, nghiện hút bị bắt và khi xét xử Tòa án tuyên hình phạt bổ sung bằng tiền ngoài hình phạt tù, những trường hợp này khi xác minh tài sản kết quả là họ không còn tài sản gì. Tại Cao Bằng, Cục THADS cho biết, số việc về ma túy, đánh bạc nhiều và ngày càng gia tăng, một số vụ việc liên quan đến kinh tế, tham nhũng có giá trị lớn nhưng đương sự thụ hình lâu năm, không có tài sản, thu nhập nên thi hành các vụ việc này rất khó khăn (hiện toàn tỉnh những loại việc này chiếm trên 20% tổng số việc và trên 20% tổng số tiền phải thi hành).

Còn tại Nam Định, khó khăn trong giải quyết các vụ án tồn là nhiều vụ việc tranh chấp liên quan đến án kinh tế; các tổ chức tín dụng có tài sản thi hành án nhỏ hơn khoản tiền phải thi hành. Việc xử lý tài sản để thi hành chủ yếu là bất động sản rất khó bán, tâm lý của khách hàng cũng e ngại..

Còn Cục THADS Hà Nội hiện còn tồn 1.248 việc/49.645.068.000 đồng. Đây là số vụ việc tồn trên 10 năm. Bên cạnh nguyên nhân người phải thi hành án không có tài sản, còn có nguyên nhân không xác định được địa chỉ của người phải thi hành án. Cục THADS Hà Nội cho biết, nhiều trường hợp Cơ quan thi hành án đã tiến hành xác minh tài sản, nơi ở, trụ sở, nơi đăng ký thường trú, đăng ký kinh doanh, tuy nhiên chưa xác minh được hiện nay người phải thi hành án đang ở đâu và cũng không xác minh được họ có tài sản gì, vì vậy dẫn đến việc tồn đọng kéo dài. Loại việc này không có cơ chế xét miễn, giảm.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Một nguyên nhân khác không thể không kể đến cũng theo Cục THADS Hà Nội là về cơ chế, chính sách pháp luật: Theo quy định của Luật THADS, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan quy định đối với các khoản phải thu nộp cho ngân sách nhà nước, ngoài quy định về thời gian để được đề nghị xét miễn, giảm, pháp luật còn quy định người phải thi hành án đã chấp hành được 1/50 đối với nghĩa vụ phải thi hành dẫn đến những trường hợp nêu trên không đủ điều kiện để đề nghị xét miễn, giảm thi hành và còn tồn đọng hoặc số việc đủ điều kiện được xét miễn 1/3 nghĩa vụ phải thi hành án nhưng pháp luật quy định mỗi lần chỉ xét giảm 1/3 nghĩa vụ phải thi hành và mỗi năm chỉ xét giảm một lần đối với mỗi bản án, quyết định của Tòa án. Vì vậy, đối với các việc này phải qua nhiều năm, nhiều lần thực hiện cùng một thủ tục xét miễn, giảm mới kết thúc.

Đó là chưa kể ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao, phần lớn thường tìm cách trì hoãn, kéo dài việc thi hành án, thậm chí có những trường hợp chống đối quyết liệt việc thi hành án. Công tác chỉ đạo việc cưỡng chế, công tác phối hợp của các cơ quan hữu quan trong thi hành án, phối hợp trong xây dựng phương án bảo vệ cưỡng chế thi hành án dẫn đến vụ việc chưa thi hành được. Người phải thi hành án có tài sản nhưng chỉ có tài sản là duy nhất trong khi đó nghĩa vụ phải thi hành án nhỏ, dẫn đến khó khăn trong thi hành án.

Để giải quyết án tồn đọng, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có phân loại án thường xuyên, chính xác; lập hồ sơ làm công văn đề nghị Viện Kiểm sát, Tòa án xem xét miễn, giảm hàng năm đối với số việc đã phân loại đủ điều kiện theo quy định. Thực hiện phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương xã, phường đôn đốc, xác minh vận động người thân của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, chưa có điều kiện thi hành án nộp thay một phần bằng 1/50 để đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị xem xét miễn, giảm theo quy định. Đối với những vụ việc không rõ địa chỉ, tiếp tục phối hợp, xác minh làm rõ.

Trên cơ sở xác minh, làm rõ được tài sản, nơi cư trú, nơi có trụ sở của người phải thi hành án để ra các quyết định về thi hành án như kê biên tài sản, khấu trừ tiền trong tài khoản, ủy thác thi hành án. Với án tuyên không rõ, có khó khăn, vướng mắc, tiếp tục có văn bản đề nghị, kiến nghị với các cơ quan chức năng yêu cầu sớm có ý kiến trả lời, giải thích, sửa đổi bổ sung bản án để tổ chức thi hành dứt điểm.

Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về THADS để người dân tự nguyện chấp hành; tiếp tục phối hợp với các trại tạm giam vận động thân nhân người phải thi hành án tự nguyện thi hành phần dân sự trong bản án hình sự; tổ chức cưỡng chế các việc có điều kiện thi hành...

Bên cạnh sự chủ động của các cơ quan THADS, để giảm án tồn đọng, cần sự vào cuộc quyết liệt sát sao hơn của Ban Chỉ đạo THADS các cấp, sự phối hợp của các cấp, ngành, đặc biệt đối với các vụ án phức tạp, đã tồn đọng nhiều năm.

Đọc thêm