Vai trò của Bộ Tư pháp với các nhiệm vụ cải cách tư pháp

(PLO) - Yêu cầu và nhiệm vụ cải cách tư pháp của Đảng được hội tụ trong các Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị từ năm 2002 đến nay, đó là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về “một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Vai trò của Bộ Tư pháp  với các nhiệm vụ cải cách tư pháp

Khẳng định những giá trị đúng đắn về nhiệm vụ cải cách tư pháp trong các Nghị quyết nêu trên, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/03/2014 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW.

Việc ra đời của các Nghị quyết quan trọng nêu trên của Bộ Chính trị cùng với nhiệm vụ triển khai thực hiện, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất các nội dung mới về cải cách tư pháp luôn có sự đồng hành và gắn liền với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tư pháp nói chung, trong đó có vai trò tiên phong và đặc biệt quan trọng của Bộ Tư pháp. Đến nay, nhiều nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp đã lần lượt được Bộ Tư pháp nghiên cứu và triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn. Dưới đây là một số thành quả quan trọng đáng ghi nhận của Bộ Tư pháp trong hơn 15 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp:

Bộ Tư pháp có đóng góp to lớn trong việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và góp phần xây dựng thành công Hiến pháp năm 2013

- So với Hiến pháp năm 1992 thì Hiến pháp mới năm 2013 là một bước tiến dài trong việc bổ sung các nguyên tắc Hiến pháp mới và thiết lập nền tảng thể chế pháp lý bảo vệ các quyền con người và quyền công dân. Hiến pháp năm 2013 đã dành hẳn Chương II quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đặc biệt khoản 1 Điều 14 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Theo đánh giá của GS.TS Thái Vĩnh Thắng thì “Hiến pháp năm 2013 là một cột mốc mới đánh dấu sự phát triển, tiến bộ của nền lập hiến Việt Nam về tư tưởng dân chủ; tổ chức, kiểm soát quyền lực nhà nước;  bảo vệ các quyền con người, quyền công dân và kỹ thuật lập hiến”, đây đồng thời cũng là ghi nhận vai trò và đóng góp to lớn của Bộ Tư pháp trong quá trình tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, xây dựng các Báo cáo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp và góp ý có chất lượng vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Bộ Tư pháp đã tiên phong trong việc thực hiện cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp và thực hiện chế độ bổ nhiệm không có kỳ hạn 

- Thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu thực hiện cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp” và “Tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không có kỳ hạn” đã được quy định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngay từ năm 2008, Bộ Tư pháp đã chủ động nghiên cứu, đề xuất quy định mới trong Luật Thi hành án dân sự 2008 về thi tuyển đối với chấp hành viên và trên cơ sở kết quả thi tuyển sẽ thực hiện việc bổ nhiệm không kỳ hạn đối với chức danh chấp hành viên theo đúng chủ trương, yêu cầu của Chiến lược cải cách tư pháp.

Có thể nói, những quy định mới này đã khắc phục được những hạn chế của Hội đồng tuyển chọn chấp hành viên và việc bổ nhiệm chấp hành viên theo nhiệm kỳ trước đây, từng bước nâng cao trình độ, chất lượng của đội ngũ chấp hành viên, bảo đảm cho chấp hành viên yên tâm công tác, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Đến năm 2014, việc thi tuyển để bổ nhiệm vào các ngạch thẩm phán cũng được áp dụng theo quy định mới của Luật Tổ chức TAND 2014.

Thực hiện mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa thi hành án dân sự thông qua việc thành lập nghề thừa phát lại

- Thực hiện chủ trương “Từng bước thực hiện việc xã hội hoá và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án…; nghiên cứu chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên), trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo” theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, Bộ Tư pháp đã chủ động nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế và đề xuất.

Theo đó, ngày 14/11/2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 nhất trí cho triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương.

Ngày 23/11/2012, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Sau một thời gian dài thí điểm, tổng kết và bước đầu có hiệu quả, ngày 26/11/2015 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 107/2015/QH13 ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội. Chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01/01/2016.

Chủ trì soạn thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân

- Để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, Bộ Tư pháp đã đầu tư nghiên cứu và chuẩn bị công phu Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018 với nhiều nội dung mới, tiến bộ được sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ lợi ích tối đa cho người dân trong việc yêu cầu cơ quan nhà nước bồi thường thiệt hại cho mình.

Đọc thêm