Thách thức dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là đại dự án giao thông khu vực, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được cả hệ thống chính trị các địa phương có đường đi qua quan tâm, đặt quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, thực tế triển khai dự án đang gặp nhiều thách thức.
Phối cảnh Dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô. (Nguồn ảnh: internet)
Phối cảnh Dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô. (Nguồn ảnh: internet)

Chậm tiến độ

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ nhất trí giao cho TP Hà Nội làm chủ đầu tư, phân công Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án chung cho cả 3 tỉnh, thành phố có dự án đi qua (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh).

Theo báo cáo mới nhất được Chính phủ gửi đến Quốc hội, trong tổng số 4 dự án thành phần xây dựng của đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô mới chỉ có dự án thành phần 2.1 (xây dựng đường song hành trên địa bàn TP Hà Nội) đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu và tiến hành khởi công xây dựng.

Còn lại, dự án thành phần 2.2 (xây dựng đường song hành trên địa phận Hưng Yên) đang tổ chức lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công trong tháng 10/2023; dự án thành phần 2.3 (xây dựng đường song hành trên địa phận tỉnh Bắc Ninh) được chia thành 3 gói thầu, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt thiết kế, dự toán 1 gói thầu, đang tổ chức lựa chọn nhà thầu để khởi công trong 10/2023, 1 gói thầu dự kiến phê duyệt thiết kế dự toán trong cuối tháng 10/2023, 1 gói thầu còn lại vẫn đang trình Bộ Xây dựng thẩm định. Riêng, dự án thành phần 3 chưa triển khai.

Theo đánh giá, tiến độ khởi công các dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành chậm so với yêu cầu của Chính phủ, chỉ có duy nhất dự án thành phần 2.1 khởi công từ tháng 6/2023. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng triển khai, đến nay, hiện trường chủ yếu chỉ xây dựng lán trại, thi công lớp đất hữu cơ, đắp nền một số phân đoạn và làm đường công vụ. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do phải hoàn thiện các thủ tục khai thác mỏ vật liệu phục vụ dự án.

Do chậm được triển khai, tỷ lệ giải ngân các dự án thành phần trên còn rất chậm. Ngoại trừ dự án thành phần 2.1 (Hà Nội) giải ngân tương đối tốt nguồn vốn được bố trí năm 2023, dự án thành phần 2.2 mới chỉ giải ngân được gần 5%, dự án thành phần 2.3 chưa giải ngân.

Chưa “chốt” nhà đầu tư dự án PPP

Các dự án thành phần đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua 3 địa phương đều được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công. Dự án qua địa phương nào thì địa phương đó bố trí vốn thực hiện. Riêng dự án thành phần 3 (xây dựng đường cao tốc) - dự án thành phần quan trọng nhất được triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Dự án thành phần 3 có chiều dài hơn 112km, UBND TP Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền triển khai.

Theo kế hoạch, giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 56.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia khoảng hơn 27.000 tỷ đồng (ngân sách trung ương hơn 18.300 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 8.800 tỷ đồng); vốn nhà đầu tư huy động khoảng 29.447 tỷ đồng (chiếm hơn 52%).

Vì vốn nhà đầu tư tham gia rất lớn nên hiện nay dự án thành phần 3 nói trên vẫn chưa chính thức được công bố nhà đầu tư. Theo báo cáo của Chính phủ, hiện tại, công tác thiết kế kỹ thuật của dự án thành phần 3 chưa được triển khai do chưa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Ngoài ra, quá trình triển khai phát sinh một số vướng mắc cần được tháo gỡ nên kéo dài thời gian chuẩn bị dự án. Cụ thể, dự án chưa thống nhất về cơ quan lập thiết kế, thời điểm phê duyệt thiết kế sau thiết kế cơ sở và dự toán đối với tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Một bất cập khác được đưa ra, theo quy định tại Nghị định 35/2021/NĐ-CP và Nghị định 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ, đối với trường hợp tách thành tiểu dự án trong dự án PPP, chỉ thanh toán tối đa 50% giá trị dự toán của tiểu dự án đầu tư công khi DN dự án hoàn thành công trình, thanh toán giá trị còn lại khi DN dự án được xác nhận hoàn thành công trình theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định về khoản chi phí lãi vay đối với phần vốn DN dự án phải huy động để thực hiện tương ứng 50% khối lượng tiểu dự án đầu tư công.

Được biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính hỗ trợ UBND TP Hà Nội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án thành phần 3.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô gồm 7 dự án thành phần với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 84.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, tổng mức đầu tư dự án sẽ tăng thêm gần 2.900 tỷ đồng so với chủ trương được duyệt. Nguyên nhân tăng chủ yếu do tăng bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng tái định cư.

Đọc thêm