[links()]Đúng 20h ngày 6/5, giờ địa phương, Solferino vỡ òa trong niềm vui chiến thắng của cánh tả. Quảng trường Concorde vắng tanh. Cánh hữu lặng lẽ rút lui “không kèn không trống," nhường cánh tả xuống phố hướng tới quảng trường Bastille, nơi François Hollande xuất hiện để cám ơn cử tri và ăn mừng chiến thắng.
Nhưng ông Hollande sẽ không có nhiều thời gian để "nhâm nhi" kết quả đạt được. Trước mắt ông là một loạt thách thức to lớn buộc ông phải tập trung giải quyết ngay sau khi thành lập chính phủ mới của cánh tả.
Thách thức đầu tiên là làm sao thúc đẩy kinh tế Pháp hồi phục và tăng trưởng. Mục tiêu mà chính phủ đương nhiệm đặt ra cho tăng trưởng GDP năm 2012 là 1,7% nhưng thống kê quý một cho thấy chỉ số này chỉ đạt 0,2% và dự báo cả năm chỉ đạt 0,7%.
Thách thức thứ hai đối với ông là giảm tỷ lệ thất nghiệp được dự báo là có thể vượt ngưỡng 10% vào mùa hè này và bổ sung thêm 214.000 trong cả năm nay.
Thứ ba, ông phải nhanh chóng tìm cách giảm thâm hụt mậu dịch với mức kỷ lục 70 tỷ euro trong năm 2011. Kể từ năm 2003, trao đổi mậu dịch của Pháp liên tục đi theo chiều hướng xấu. Thị phần toàn cầu của Pháp, tính theo giá trị, liên tục giảm theo từng năm, từ 6,2% năm 1990 xuống còn 3,2% năm 2011. Thực tế này chứng tỏ sự yếu kém của công nghiệp sản xuất tại Pháp, khiến Pháp ngày càng tụt hậu so với đối thủ Đức.
Thứ tư là thâm hụt ngân sách và nợ công. Theo dự báo, thâm hụt ngân sách của Pháp năm 2012 sẽ được thu hẹp xuống còn 4,5% GDP so với 5,2% của năm 2011 và năm 2013 xuống còn 3%. Nhiều chuyên gia tỏ ý nghi ngờ khả năng của tân tổng thống Pháp trong việc quản lý chi tiêu công và tăng nguồn thu cho ngân sách.
Nợ công của Pháp hiện đã vượt quá ngưỡng 1.700 tỷ euro, trong đó phần lớn do các chủ nước ngoài nắm giữ. Dự kiến mức nợ công của Pháp sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, lên đỉnh điểm 89% GDP năm 2013 trước khi giảm dần vào năm 2014. Hiện tỷ lệ lãi suất mà nợ công của Pháp phải trả chiếm vị trí hàng đầu trong ngân sách nhà nước, đứng trên cả ngân sách dành cho giáo dục và quốc phòng.
Để bắt đầu nhiệm kỳ của mình, ông Hollande đã chuẩn bị một chương trình nghị sự ngay từ khi chiến dịch tranh cử chưa kết thúc. Trong tháng Năm, ông sẽ làm lễ nhậm chức và thành lập chính phủ mới; phải hoàn thành thủ tục vay trung hạn 12 tỷ euro của các thị trường; gặp không chính thức lãnh đạo 27 nước thành viên EU. Tân Tổng thống Pháp sẽ thực hiện chuyến thăm chính thức tới Đức đầu tiên như đã tuyên bố trước bầu cử.
Hollande cũng đã đề ra các biện pháp giải quyết các yêu cầu cấp thiết trong thời gian trước mắt, cụ thể là một lịch trình “ba giai đoạn," kéo dài đến tháng 6/2013 với 35 biện pháp. Một cách biểu tượng, biện pháp đầu tiên mà Hollande thực hiện là giảm 30% tiền lương của nguyên thủ nhà nước và thành viên trong chính phủ.
Cuối tháng Sáu, chính phủ mới phải ra sắc lệnh quyết định hãm giá xăng nhiên liệu trong ba tháng, sửa đổi luật hưu trí, bãi bỏ thông tư (của) Guéant đối với sinh viên nước ngoài…
Cũng trong thời gian này, Pháp sẽ đệ trình kiến nghị đàm phán lại Hiệp ước châu Âu lên Hội đồng châu Âu để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh EU, đồng thời sẽ có tuyên bố với các đối tác NATO việc Pháp rút quân khỏi Afghanistan cuối năm 2012.
Trong tháng Bảy, chính phủ mới sẽ phải giới thiệu dự luật về kế hoạch hóa tài chính vì mục tiêu tái lập cân bằng ngân sách vào năm 2017, cải cách chế độ thuế và lập thang thuế 75% đối với các thu nhập từ một triệu euro trở lên mỗi năm…
Cuối cùng, trong thời gian từ 8/2012-6/2013, Hollande sẽ hiện thực hóa một số cam kết mà ông coi là một trục tranh cử của mình, tróng đó có việc thông qua các bộ luật như Luật phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là điều khoản thành lập Ngân hàng Đầu tư Nhà nước (BPI); Luật định hướng và kế hoạch hóa giáo dục quốc gia.
Đặc biệt, chính phủ mới sẽ phải nỗ lực thực hiện cam kết tạo 150.000 việc làm, tăng thêm 1.000 trong tổng số 5.000 biên chế đã cam kết đối với lực lượng an ninh và tư pháp; đồng thời tiến hành thương lượng với các đối tác xã hội về cải cách hưu trí.
Cũng trong giai đoạn này, Hollande sẽ tiến hành các cải cách thể chế quan trọng như cải cách Hội đồng tòa an tối cao và quy chế hình sự của nguyên thủ nhà nước; giải tán Tòa tư pháp cộng hòa; xem xét lại vấn đề quyền bỏ phiếu của người nước ngoài tại Pháp; bãi bỏ chế độ kiêm nhiệm trong bộ máy công quyền.
Theo TTXVN