Thái Bình: Định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

(PLVN) - Năm 2024, tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả kinh tế - xã hội đáng ghi nhận nhờ sự lãnh đạo quyết liệt, đồng bộ của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương. Đồng thời, việc tập trung tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy các giải pháp đồng bộ đã tạo nền tảng phát triển vững chắc cho tỉnh trong năm tiếp theo.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương báo cáo, đánh giá kết quả kinh tế xã hội tỉnh năm 2024.

Theo UBND tỉnh Thái Bình, năm 2024 là một năm tăng trưởng kinh tế toàn diện của tỉnh Thái Bình, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh ước đạt 72.593 tỷ đồng, tăng 7,32% so với năm 2023. Cụ thể, các khu vực kinh tế đều ghi nhận sự phát triển, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 0,39%, công nghiệp và xây dựng tăng mạnh ở mức 12,15%, Dịch vụ tăng trưởng 6,77%. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 210.866 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Kết quả này phản ánh sự nỗ lực không ngừng trong việc ổn định và thúc đẩy kinh tế địa phương.

Thu ngân sách nội địa đạt trên 11.000 tỷ đồng, thể hiện sự gia tăng bền vững trong nguồn thu tài chính công. Đặc biệt, công tác giải ngân vốn đầu tư công có kết quả nổi bật với tỷ lệ đạt 169,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục khẳng định vị thế của Thái Bình với tổng vốn đầu tư toàn tỉnh đạt 38.088,1 tỷ đồng, trong đó vốn FDI ước đạt trên 1 tỷ USD. Đây là năm thứ ba liên tiếp, tỉnh duy trì hơn 1.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, tạo động lực phát triển kinh tế.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong các dịp lễ, tết, được triển khai kịp thời, hiệu quả. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và y tế được chỉ đạo toàn diện, phục vụ tốt đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được bảo đảm. Tỉnh hoàn thành chỉ tiêu giao quân và tổ chức thành công cuộc diễn tập phòng thủ dân sự, tìm kiếm cứu nạn, khẳng định vai trò quan trọng của quốc phòng - an ninh trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận nêu rõ các nhóm nhiệm vụ trọng tâm để đưa Thái Bình bứt phá trong năm 2025.

Bên cạnh những kết quả tích cực, ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ ra những mặt hạn chế trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như: Tốc độ tăng trưởng một số ngành, lĩnh vực chưa đạt kỳ vọng; Vai trò phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; Một số công trình, dự án trọng điểm triển khai chậm tiến độ; Các vấn đề về vi phạm đất đai, quản lý tài nguyên và xử lý rác thải còn bất cập.

Để phát huy những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ trọng tâm để đưa Thái Bình bứt phá trong năm 2025. Trong đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh giải quyết các điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, nhất là quản lý đất đai; Cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, đổi mới mạnh mẽ phương thức phối hợp, xử lý công việc giữa các ngành, địa phương; Chú trọng an sinh xã hội và phát triển bền vững, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; Chuẩn bị các điều kiện cho Đại hội Đảng các cấp, tổ chức tổng kết các Nghị quyết quan trọng, đánh giá lại tổ chức bộ máy nhằm tinh gọn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Năm 2024 đã đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển toàn diện của Thái Bình. Với những giải pháp trọng tâm được đề ra. Năm 2025, tỉnh kỳ vọng đạt được các mục tiêu cao hơn, đưa Thái Bình trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

Đọc thêm