Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các công trình trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2023, Tỉnh Thái Nguyên được phân bổ cho 80 dự án thuộc các ngành, lĩnh vực cấp tỉnh quản lý, trong đó có 30 dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng (gồm 12 dự án trọng điểm). Tỉnh đã tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm.
Các đơn vị thi công đang tập trung phương tiện, máy móc thiết bị, công nhân đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án Tuyến đường liên kết vùng (Ảnh: Lê Hanh)
Các đơn vị thi công đang tập trung phương tiện, máy móc thiết bị, công nhân đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án Tuyến đường liên kết vùng (Ảnh: Lê Hanh)

Nhằm đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã ký văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, căn cứ các quy định của pháp luật thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023, Công điện số 123/CĐ-TTg ngày 10/3/2023 và Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 14/4/2023, khẩn trương phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo đúng quy định, bằng mọi biện pháp phải quyết tâm hoàn thành 100% kế hoạch.

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng lưu ý sẽ thực hiện thanh toán vốn cho dự án ngay khi có khối lượng nghiệm thu theo quy định; kiểm tra, rà soát từng dự án được bố trí kế hoạch vốn năm 2023, chủ động điều chuyển kế hoạch vốn theo thẩm quyền từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng, đặc biệt là dự án trọng điểm, dự án cao tốc, dự án có giá trị lan tỏa cao.

Đặc biệt, tỉnh sẽ có chế tài xử lý và luân chuyển các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Trong năm 2023, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Thái Nguyên là trên 7.863 tỷ đồng; số kế hoạch vốn do địa phương giao trên địa bàn toàn tỉnh là trên 8.416 tỷ đồng.

Tuyến đường vành đai V đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang) là dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (Ảnh: Lê Hanh)
Tuyến đường vành đai V đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang) là dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (Ảnh: Lê Hanh)

Riêng với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (QLDAGT), năm 2023 đơn vị được giao làm chủ đầu tư 13 dự án, với tổng nguồn vốn hơn 1.200 tỷ đồng. Trong 13 dự án, có 2 dự án trọng điểm được chuyển tiếp đang thi công, bao gồm: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc và Đường vành đai V qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang). Tính đến cuối tháng 5/2023, Ban QLDAGT đã giải ngân nguồn vốn của 13 dự án được trên 300 tỷ đồng, đạt khoảng 27% trong tổng số vốn đầu tư.

Đánh giá quá trình triển khai giải ngân vốn của đơn vị đến nay vẫn còn chậm, nguyên nhân được chỉ ra là do công tác giải phóng mặt bằng chậm, nguồn cung vật liệu đất đắp thiếu hụt, thời tiết bất lợi...

Để khắc phục tình trạng này, trong 6 tháng cuối năm, Ban QLDAGT sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc tiến độ công tác giải ngân, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao theo kế hoạch.

Ông Ngô Mạnh Cường, Giám đốc Ban QLDAGT tỉnh cho biết: “Khi nhiều dự án chuyển sang thi công các hạng mục có giá trị cao, ít chịu ảnh hưởng của thời tiết và giải quyết được bài toán về nguồn cung vật liệu đất đắp, sẽ giúp cho tiến độ giải ngân và thi công được đẩy nhanh, đảm bảo giải ngân toàn bộ số vốn được cấp”.

Đến nay, một số dự án do Ban QLDAGT tỉnh làm chủ đầu tư đã được thi công hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, bao gồm: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 261, đoạn từ Km1+00 đến Km20+00; Nâng cấp đường Cù Vân - An Khánh - Phúc Hà; Nâng cấp đường Hóa Thượng - Hòa Bình thành đường tỉnh 273; Đường gom Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn từ Khu công nghiệp Yên Bình đến đường tỉnh 266 (Khu công nghiệp Điềm Thụy); đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn tuyến đi trùng đại lộ Đông - Tây, Khu công nghiệp Yên Bình và cầu vượt sông Cầu).

Riêng đối với Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, đến nay Ban QLDAGT tỉnh và các nhà thầu thi công đã nhận bàn giao mặt bằng trên 180/219ha để thi công. Khối lượng hoàn thành ước đạt khoảng 35% trong tổng khối lượng công việc của toàn Dự án, giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 ước đạt gần 20%...

Để thực hiện có hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, trong những tháng cuối năm ban QLDAGT tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt trong công tác triển khai, thi công, nghiệm thu khối lượng công trình, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán với những dự án đã hoàn thành.

Đọc thêm