Đầu năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã cấp mới 9 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 478,7 triệu USD, cùng 5 lượt dự án được điều chỉnh tăng vốn với số vốn bổ sung đạt 19,3 triệu USD. Nhờ kết quả này, Thái Nguyên xếp thứ 10 trên 63 tỉnh, thành phố cả nước về thu hút vốn FDI.
Về thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách, đầu năm 2024, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư cho 6 dự án với tổng vốn đầu tư 1.866 tỷ đồng; chấp thuận đầu tư cho 6 dự án khác với số vốn 3.489 tỷ đồng và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 1 dự án với vốn đầu tư 3.985,5 tỷ đồng.
|
Tính lũy kế, tỉnh có 886 dự án đầu tư trong nước ngoài ngân sách còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 184.946 tỷ đồng. |
Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Thái Nguyên. Tính đến giữa năm 2024, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 15,4 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Thành tích này giúp Thái Nguyên duy trì vị trí trong top 4 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.
Theo thông tin mới được công bố, GRDP quý II năm 2024 của tỉnh Thái Nguyên dự ước đạt 106,8%, tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước. Dự ước GRDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt 106,03%, tăng 0,86% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ sự phát triển của các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; cũng như thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, trong đó công nghiệp và xây dựng, dịch vụ tăng khoảng 3%.
Ngoài ra, doanh thu của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt hơn 13 tỷ USD, phản ánh hiệu quả từ các chính sách đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng. Sản xuất công nghiệp trong tháng 5/2024 tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, với Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,96% so với cùng kỳ năm trước.
Tỉnh Thái Nguyên tập trung thực hiện đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đai V, và các tuyến đường kết nối với Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Những dự án này giúp tăng cường khả năng kết nối liên vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương và phát triển công nghiệp.
|
Hoàn thiện hạ tầng giao thông tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế |
Thái Nguyên xây dựng "Chính quyền số" đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch. Tỉnh cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hỗ trợ công bằng và sẵn sàng giúp đỡ doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án.
Địa phương chú trọng phát triển công nghiệp, hoàn thiện hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh thủ tục hành chính và thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng đạt 31.521,7 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 98,4 tỷ đồng, tăng 61,4%, trong khi khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 13,2% và khu vực kinh tế nhà nước tăng 5,5%. Những kết quả này cho thấy Thái Nguyên đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế.
Với tầm nhìn dài hạn và tư duy đổi mới, Thái Nguyên đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Nhìn chung, với sự phát triển toàn diện ở các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, cùng với môi trường kinh doanh thuận lợi và cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, Thái Nguyên đang vững bước trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng tại miền Bắc Việt Nam.