Sẵn nguồn năng lượng xanh
Năm 2023 vốn FDI đăng ký tại Việt Nam đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Đáng chú ý, doanh nghiệp (DN) FDI và DN trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các ngành liên quan đến tăng trưởng xanh như năng lượng tái tạo (NLTT), xử lý chất thải rắn, nước thải, khí thải, sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh…
Quý I năm 2024, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ, trong đó, dự án đầu tư theo các tiêu chí xanh như dùng NLTT, đổi mới công nghệ máy móc đang xuất hiện ngày càng nhiều. Hiện tại, đã có một số tập đoàn thông báo về kế hoạch đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm 2024 với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD. Chưa kể, đã có nhiều tập đoàn tiết lộ sẽ khởi công các dự án xanh tại Việt Nam trong năm 2024 như dự án có tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD của một DN Đức với nhu cầu “sử dụng NLTT”.
Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn như Apple, Google, IKEA và Nike - tất cả đều cam kết việc sử dụng NLTT là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh. Đại diện các tập đoàn này đều khẳng định, khi lựa chọn địa điểm đầu tư, các tập đoàn này luôn coi “mức độ sẵn sàng của nguồn cung NLTT” tại chỗ là ưu tiên trong bảng tiêu chí, thể hiện tầm quan trọng của khả năng tiếp cận năng lượng xanh đối với quyết định đầu tư.
Để thích ứng với xu thế này, Việt Nam đã đặt việc mua bán điện trực tiếp giữa các nhà đầu tư NLTT và các tập đoàn lớn (DPPA) là vấn đề trọng tâm trong chiến lược NLTT. Cơ chế DPPA có vai trò then chốt trong việc thu hút đầu tư đa quốc gia và cũng là cơ chế mà hầu hết các tập đoàn lớn đa quốc gia đang trông ngóng để có thể từng bước hoàn thành các tiêu chí sản xuất xanh của mình.
Báo cáo về kinh tế xanh của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam cho thấy, nhu cầu tiếp cận nguồn năng lượng xanh càng được thúc đẩy bởi Chỉ thị Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của châu Âu. Chỉ thị này yêu cầu các công ty châu Âu phải duy trì các tiêu chuẩn bền vững nghiêm ngặt. Điều này khiến cho việc sớm áp dụng cơ chế DPPA tại Việt Nam không chỉ là một cam kết về môi trường mà còn là một nhu cầu kinh tế mang tính chiến lược để thu hút và giữ chân nguồn vốn FDI, đặc biệt là các nguồn FDI xanh. Đại diện của B. Braun - một công ty chuyên về công nghệ y tế lớn của Đức cho biết công ty dự định tăng gấp đôi mức đầu tư vào Việt Nam với điều kiện phải có sẵn nguồn năng lượng xanh.
Thu hút FDI xanh là nhu cầu tự nhiên
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) khẳng định, sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế xanh đã tạo được những tác động lan tỏa tích cực đối với Việt Nam. Nhiều DN cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đã có những động thái để chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh. “Trước đây, BVMT thường được nhìn nhận như một hoạt động làm tăng chi phí, do đó không đồng nhất với lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay nhiều khu công nghiệp đã quan tâm hơn đến sàng lọc, đánh giá tác động nhằm bảo đảm các dự án đầu tư thân thiện với môi trường” - ông Dương nói.
Đáng chú ý, theo ông Dương, Việt Nam nằm trong số các quốc gia đang gia tăng xu hướng tiêu dùng bền vững, nên đã góp phần tạo “cầu” đáng kể đối với các sản phẩm xanh. Do đó, thu hút FDI vào các ngành, hoạt động kinh tế xanh được thực hiện một cách tự nhiên. Không ít DN đã và đang nghiên cứu triển khai các dự án đầu tư theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Tổng Giám đốc Archetype Việt Nam - ông Michel Andre Cassagnes cho rằng, việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trong các tòa nhà công nghiệp nói riêng, của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung không chỉ là nhu cầu thiết yếu về môi trường mà còn là xu hướng của thị trường mới nổi. Do đó, ông kiến nghị Chính phủ Việt Nam nên xem xét áp dụng các chính sách linh hoạt và thân thiện hơn với nhà đầu tư để khuyến khích xây dựng công trình xanh.
Trong đó, việc “nới lỏng các quy định” bằng cách tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư tham gia vào các dự án xanh có thể là công cụ thu hút đầu tư toàn cầu vào các sáng kiến xây dựng xanh của Việt Nam. Điều này giúp Việt Nam có thể đẩy nhanh đáng kể tiến độ đạt được các mục tiêu bền vững của mình thông qua các nguồn vốn FDI xanh.
Ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết đã có nhiều sáng kiến của ngân hàng nhằm thúc đẩy tài chính bền vững. Như cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các dự án tập trung vào NLTT, từ đó thúc đẩy ngành năng lượng xanh và tạo nền tảng cho hoạt động đầu tư bền vững. Hoặc những nỗ lực hợp tác của ngân hàng với các tổ chức toàn cầu để phát triển các sản phẩm tài chính xanh được thiết kế riêng cho Việt Nam.