Thảm cảnh từ nạn buôn người qua biên giới

Các cô gái chỉ vì những lời dụ dỗ ngon ngọt của những kẻ buôn người mà phải chịu cảnh làm nô lệ bên xứ người. Một số nạn nhân may mắn thoát khỏi “động quỷ”, nhưng khi trở về quê hương vẫn không khỏi bàng hoàng vì những gì đã phải trải qua.

Các cô gái chỉ vì những lời dụ dỗ ngon ngọt của những kẻ buôn người mà phải chịu cảnh làm nô lệ bên xứ người. Một số nạn nhân may mắn thoát khỏi “động quỷ”, nhưng khi trở về quê hương vẫn không khỏi bàng hoàng vì những gì đã phải trải qua.

Đường dây lừa bán cả trăm phụ nữ ra nước ngoài

Hầu hết các nạn nhân đều bị lừa một cách rất đơn giản: Đi làm ở nước ngoài với thu nhập cao hoặc lấy một người chồng nước ngoài để đổi đời. Đa phần phụ nữ Việt Nam bị lừa bán sang nước ngoài phải làm việc vất vả, lao động nặng nhọc như một nô lệ.

Các cô gái được cơ quan chức năng giải cứu
Các cô gái được cơ quan chức năng giải cứu

Ngày 30/12/2009, TAND tỉnh Tây Ninh đưa các bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Yến, Nguyễn Thế Phong, Nguyễn Thị Khuân, Phạm Thị Phỉ trong vụ án mua bán phụ nữ ra xét xử.

Theo cáo trạng, đầu năm 2006, Nguyễn Thị Ngọc Yến 53 tuổi, trú tại ấp Thanh Phước, xã Thanh Phong (Thạnh Phú - Bến Tre), thuê căn nhà số 835/38B đường Trần Hưng Đạo, P.1 (Q.5 - TP. HCM), để làm "trụ sở" tổ chức môi giới cho phụ nữ kết hôn với đàn ông Hàn Quốc và Đài Loan.

Đầu năm 2007, thông qua con nuôi là Tô Thị Ngọc Loan (có chồng người Malaysia), Yến quen biết, bàn bạc và thỏa thuận với Mỉn Ly (quốc tịch Malaysia), theo đó Yến có nhiệm vụ tuyển chọn phụ nữ Việt Nam giao cho Mỉn Ly bán cho người khác làm vợ. Thủ tục xuất cảnh, tiền mua vé máy bay cho các phụ nữ sẽ do Yến lo. Mỗi phụ nữ VN đưa sang Malaysia bán được, Mỉn Ly trả cho Yến 1.000 USD.

Đến giữa năm 2007, Yến quen Nguyễn Thị Khuân 60 tuổi, trú tại ấp Thuận Hòa, xã Truông Mít (Dương Minh Châu - Tây Ninh) và 3 người khác là Tư Trốn, Chín Bàng, Năm Dũng. Yến bàn bạc, thỏa thuận với Khuân, Trốn, Bàng, Dũng tìm và tuyển chọn phụ nữ đưa về TP. HCM giao cho Yến để nuôi ăn ở, học tiếng Malaysia, sau đó đưa họ sang Malaysia giao cho Mỉn Ly. Mỗi phụ nữ tuyển chọn và bán được, Yến trả 2 triệu đồng cho người tuyển.

Yến thuê Phạm Thị Phỉ 50 tuổi, trú tại P.5 (TX. Bến Tre - Bến Tre) là bạn cùng quê đến phụ việc tại "trụ sở" của Yến để quản lý sổ sách và theo dõi số phụ nữ VN khi Yến không có nhà. Mỗi tháng Yến trả cho Phỉ 500 ngàn đến 1 triệu đồng.

Từ giữa năm 2007 đến ngày bị phát hiện, đường dây này đã tuyển chọn 400 phụ nữ quê Tây Ninh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ giao cho Yến và đã có 80 phụ nữ bị đưa sang Malaysia giao cho Mỉn Ly bán.

Cũng trong khoảng thời gian này, Khuân thỏa thuận với Nguyễn Thế Phong 31 tuổi, trú tại đường Dương Bá Trạc (Q.8 – TP. HCM), là người chuyên đưa phụ nữ VN sang Malaysia bán cho người khác làm vợ. Thông qua em rể tên Tô (người Singapore), Thế Phong, Tô và Phong (quốc tịch Malaysia) cùng bàn bạc, thỏa thuận để Thế Phong tìm và tuyển chọn phụ nữ Việt Nam đưa sang Malaysia giao cho Phong bán, nếu không bán được thì Phong sẽ đưa họ sang Singapore giao cho Tô.

Ngoài ra, Thế Phong còn giao cho Lan và Tuyết tuyển chọn phụ nữ đến cho Phong với tiền công 1 triệu đồng/người…

Kết thúc phiên Tòa, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thị Ngọc Yến 12 năm tù, Nguyễn Thế Phong 7 năm tù, Nguyễn Thị Khuân 4 năm tù, Phạm Thị Phỉ 12 năm tù. Đồng thời yêu cầu các bị cáo bồi thường lại tiền cho các nạn nhân. Riêng các tên Chín Bàng, Tư Trốn, Năm Dũng, Lan, Tuyết, công an tiếp tục tiến hành điều tra. Vì là người nước ngoài nên các đối tượng Mỉn Ly, Tô, Phong vẫn chưa thể tiến hành làm việc và xử lý được.

Ham tiền sập bẫy kẻ buôn người

Ngày 5/1/2010, TAND tỉnh Tây Ninh đã xét xử lưu động vụ án mua bán phụ nữ ra nước ngoài tại UBND xã Đồng Khởi (Châu Thành - Tây Ninh) đối với Võ Thị Hồng, 22 tuổi tại địa phương và Cao Ngọc Thương 22 tuổi, ngụ khu phố 5, phường 4, (TX. Tây Ninh – Tây Ninh).

Bị cáo Võ Thị Hồng và Cao Ngọc Thương tại Tòa
Bị cáo Võ Thị Hồng và Cao Ngọc Thương tại Tòa

Theo cáo trạng: Vào cuối năm 2008, Võ Thị Hồng xuất cảnh sang Thái Lan để tìm việc làm. Tại đây, Hồng quen biết, bàn bạc và thỏa thuận với một người tên Lao Banh (đang định cư tại Thái Lan). Lao Banh kêu Hồng về Việt Nam tuyển chọn phụ nữ đưa sang Thái Lan giao cho Lao Banh để đưa họ vào động mại dâm do Lao Banh quản lý.

Khoảng tháng 4/2009, Hồng về Việt Nam tuyển chọn được 7 phụ nữ quê ở Tây Ninh. Hồng hứa với các cô gái rằng sẽ đưa sang Singapore làm việc trong quán ăn, nhà hàng với mức lương cao. Hồng hướng dẫn các cô làm thủ tục xuất cảnh. Khi máy bay đáp xuống sân bay Thái Lan, Hồng liền giao các cô gái cho Lao Banh.

Ngày 27/4/2009, Hồng từ Thái Lan trở về Việt Nam bàn bạc với Cao Ngọc Thương tìm và tuyển chọn phụ nữ giao cho Hồng để bán sang Thái Lan. Mỗi phụ nữ được tuyển bán cho Lao Banh, Hồng sẽ trả cho Thương một triệu đồng.

Bị ma lực của đồng tiền cám dỗ, Thương đã chọn được T. (18 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) đưa đến TP HCM giao cho Hồng và được Hồng trả cho một triệu đồng. Trong khoảng thời gian này, Hồng đã tuyển được H. (23 tuổi, ngụ thị xã Tây Ninh).

Tại Thái Lan, Lao Banh thu giữ hộ chiếu và nhốt các cô gái vào trong một căn phòng, còn Hồng thu giữ giấy chứng minh nhân dân của các cô. Hằng ngày Lao Banh đi tìm và đưa đàn ông Thái Lan đến phòng, ép buộc các cô phải bán dâm. Tiền bán dâm bị Lao Banh lấy hết. Nếu cô nào muốn về Việt Nam phải trả cho Hồng 30 triệu đồng. Phẫn uất vì bị đưa vào động bán dâm, chị H. đã tìm cách trốn thoát về Việt Nam, tố cáo tội ác của Hồng và Lao Banh.

HĐXX đã tuyên phạt Hồng 10 năm tù giam, Cao Ngọc Thương 5 năm tù. Ngoài ra, Hồng còn bị phạt bổ sung 5 triệu đồng và đền bù tiền thiệt hại cho các bị hại mỗi người 6,5 triệu đồng.

Đôi “vợ chồng hờ” dắt díu nhau buôn người lĩnh án

Ngày 10/8/2011, TAND tỉnh Tây Ninh đã mở phiên Tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Chung (52 tuổi) 8 năm tù; Phạm Công Luận (65 tuổi) 6 năm tù cùng về tội: Mua bán người.

Theo cáo trạng: Phạm Công Luận và Nguyễn Thị Chung ăn ở với nhau như vợ chồng. Năm 2006, Nguyễn Thị Hồng Nhung (con riêng của Chung, lấy chồng người Malaysia) về Việt Nam bàn bạc với Chung tuyển chọn các cô gái để đưa sang Malaysia bán cho đàn ông bản địa làm vợ. Theo thỏa thuận, Nhung gửi 500 USD cho mẹ làm chi phí, mỗi phụ nữ bán sang Malaysia, Chung được hưởng 200 USD.

Sau đó, Chung bàn bạc với Luận cùng tìm kiếm, dụ dỗ những người phụ nữ ở Tây Ninh có nhu cầu sang lấy chồng Malayxia. Do một số bị hại chưa đủ tuổi kết hôn, nên Luận đã kiêm luôn việc xuống TP. HCM nhờ làm giả giấy khai sinh, giấy tạm trú để các bị hại làm hộ chiếu ra nước ngoài.

Trong suốt thời gian từ năm 2006 đến 2010, Chung và Luận khai đưa tổng cộng 12 phụ nữ bán sang Malaysia. Tháng 10/2010, Chung và Luận đang làm thủ tục xuất cảnh cho 3 người phụ nữ thì bị bắt quả tang.

Trước đó, Phạm Công Luận từng bị TAND tỉnh Tây Ninh xử phạt 16 năm tù về tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân và tội Phá hoại tài sản XHCN.  Hiện chưa được xóa án tích thì Luận lại tiếp tục phạm tội.

Lật mặt bọn buôn người bằng cách nào?

Ngoài các mánh khóe dụ dỗ, lừa đảo thông thường như tìm người giúp việc, làm công nhàn nhã được hưởng lương cao,... thì các đối tượng phạm tội còn vờ thông báo trên mạng Internet tuyển nhân viên và “mối lái” kết hôn hoặc làm con nuôi người nước ngoài… Dụ dỗ được những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin rồi đưa qua biên giới bán cho các nhà hàng, quán trọ, khách sạn, các dịch vụ kinh doanh mại dâm trá hình…

Để gây dựng lòng tin đối với bị hại, bọn tội phạm còn ứng trước một số tiền cho bản thân, hoặc gia đình họ, hợp pháp hóa các giấy tờ, thủ tục để kết hôn, xuất cảnh... Hầu hết các nạn nhân khi ra tới nước ngoài mới biết mình bị lừa nhưng lúc đó thì đã quá muộn.

Đối tượng buôn bán phụ nữ sử dụng các thủ đoạn ngày càng tinh vi và nham hiểm như vậy nên chúng ta cần đề cao cảnh giác. Đặc biệt là những phụ nữ mong muốn sự đổi đời ở bên kia biên giới: Đừng vì những “giấc mơ hoa” về xứ người để rồi hối hận cả cuộc đời.  

Dương Tử

Đọc thêm