Tại buổi thẩm định, đại diện cho cơ quan soạn thảo dự thảo Luật, ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Tài chính) đã trình bày tóm tắt những nội dung cơ bản của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 7 luật trên.
![]() |
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú chủ trì thẩm định Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật chuyên ngành. |
Theo đó, dự thảo Luật nhằm thể chế hoá đẩy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh hỗ trợ, phân cấp phân quyền và cải cách thủ tục hành chính về tài chính – ngân sách, khơi thông, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH-CN, ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dự thảo Luật gồm 8 điều. Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu: sửa đổi một số chính sách nhằm tạo cơ chế linh hoạt, ưu đãi trong đấu thầu nhằm phát triển KH-CN, ĐMST, chuyển đổi số; cắt giảm, đơn giản hoá quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu và đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong đấu thầu…
![]() |
Ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Tài chính) trình bày tóm tắt những nội dung cơ bản của dự thảo luật. |
Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: sửa đổi một số chính sách về việc đơn giản hoá quy trình thực hiện dự án PPP; về lựa chọn nhà đầu tư trong nước, lựa chọn nhà đầu tư quốc tế; về phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu…
Điều 3 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan: sửa đổi bổ sung quy định về điều kiện áp dụng và chế độ ưu tiên với doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, doanh nghiệp công nghệ cao…
Điều 4 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu về việc miễn thuế đối với hàng hoá nhập khẩu để phát triển KH-CN-ĐMST, chuyển đổi số.
Điều 5 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư: sửa đổi bổ sung một số chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; đơn giản hoá thủ tục hành chính…
Điều 6 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công: bổ sung một số khái niệm, quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và thực hiện, tăng tính sẵn sàng của dự án…
Điều 7 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: sửa đổi các quy định về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với các văn bản quy phạm pháp luật khác nhằm đảm bảo tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 193/2025/QH15.
Góp ý tại buổi thẩm định, đại diện Bộ nội vụ đề xuất, hồ sơ và tờ trình dự thảo Luật cần được hoàn thiện theo hướng làm rõ hơn quan điểm triển khai Nghị quyết 57, đặc biệt là xác định cụ thể lĩnh vực áp dụng, ưu tiên phát triển KH-CN hay đẩy mạnh ứng dụng KH-CN trong nội dung của luật. Việc sửa đổi luật phải bám sát tinh thần và nội dung của Nghị quyết 57, đồng thời cần làm rõ lý do sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ các điều khoản…
![]() |
Đại diện Bộ nội vụ góp ý tại buổi thẩm định |
Ngoài ra, cần xem xét kỹ việc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương nhằm đảm bảo sự thống nhất; việc phân cấp cho địa phương trong dự thảo luật đã được thể hiện tương đối rõ, tuy nhiên cần rà soát kỹ hơn để đảm bảo tính đầy đủ và phù hợp với thực tiễn.
Đồng quan điểm, đại diện Bộ Y tế đề nghị đơn vị soạn thảo dự thảo Luật cần rà soát để quy định việc phân cấp phù hợp với tinh thần của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Đầu tư công, đồng thời nếu cần thiết thì xem xét cả Luật Xây dựng để đảm bảo tính thống nhất.
Liên quan đến Luật Đầu tư công, đại diện Bộ Y tế đề xuất giữ quy định tại Điều 57 về thời gian thực hiện dự án, vì hiện nay tiêu chí về vốn cho các dự án đã được nâng cao. Đồng thời, xem xét cơ chế linh hoạt hơn, trong đó có thể giao cho Bộ trưởng quyền quyết định kéo dài thời gian giải ngân vốn bảo trì thay vì giao cho Thủ tướng Chính phủ như trong dự thảo Luật.
![]() |
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú phát biểu kết luận buổi thẩm định. |
Kết luận buổi thẩm định, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú đề nghị đơn vị soạn thảo dự thảo Luật rà soát lại phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để đảm bảo bám sát trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, cần tập trung vào ba nội dung chính: giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; triển khai đầy đủ và nhất quán với Nghị quyết 57; xử lý các vấn đề cấp bách liên quan đến phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương.
Theo Thứ trưởng, việc xác định nội dung điều chỉnh cần cân nhắc kỹ, chỉ đưa vào những vấn đề thực sự cấp thiết, có liên quan trực tiếp đến mô hình chính quyền hai cấp và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong việc triển khai Nghị quyết 57. Đồng thời, cần đảm bảo tính thống nhất, tính hợp hiến và hợp pháp, cũng như sự đồng bộ với các dự án luật khác dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng việc bổ sung các điều khoản chuyển tiếp, đảm bảo quá trình chuyển tiếp được thực hiện tối đa theo hướng phù hợp với đặc thù tổ chức chính quyền địa phương hai cấp…