Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: Rộng đường cho doanh nghiệp phát triển

(PLO) - Việc gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu sẽ mang lại nhiều nguồn lợi về kinh tế và thương hiệu cho các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, các DN đặc biệt là DN vừa và nhỏ (DNVVN) tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì cần giải quyết “bài toán” thuận lợi hóa thương mại.
Hội thảo trao đổi và cung cấp nhiều thông tin và kỹ năng để các DN có thể trở thành một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu
Hội thảo trao đổi và cung cấp nhiều thông tin và kỹ năng để các DN có thể trở thành một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu

Ngày 9/7, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy DNVVN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” nhằm trao đổi và cung cấp cho các DNVVN những thông tin và kỹ năng để có thể trở thành một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu và ngành thương mại điện tử trong khu vực.

Bao nhiêu DNNVV tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu?

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ hoặc là sẽ tiếp tục làm gia công xuất khẩu với giá trị thấp hoặc sẽ vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo ông Nam, lựa chọn này thật sự rất khó vì hiện nay cả nước chỉ có khoảng 300 DN có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, ông Nam cũng bày tỏ sự băn khoăn không biết vị thế của ĐBSCL nằm ở đâu trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và ĐBSCL có bao nhiêu DN tham gia vào chuỗi.

Theo bà Mary Etta Tarnowta, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP HCM, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trên con đường phát triển  và có rất nhiều việc cần phải làm để hỗ trợ các DNVVN hội nhập hiệu quả hơn. Điều quan trọng là Việt Nam phải tạo ra một môi trường pháp luật bình đẳng, minh bạch để dự đoán, khuyến khích sáng tạo và đổi mới. Việt Nam cần thúc đẩy thương mại tự do, công bằng trên cơ sở “có đi có lại”, một môi trường internet mở sẽ giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Việc số hóa hỗ trợ các DNVVN trong khu vực ASEAN tham gia vào thương mại xuyên biên giới, cho phép các DN phát triển và mở rộng quy mô kinh doanh với chi phí thấp. Tuy nhiên các DNVVN đang ở những giai đoạn trưởng thành khác nhau trong việc áp dụng công nghệ số và không phải DN nào cũng có khả năng đầu tư cho việc phát triển công nghệ thông tin. Do đó, cần thêm hỗ trợ từ Chính phủ và các DN để phát triển nền kinh tế số toàn diện.

Lợi ích cũng là thách thức tiềm ẩn

Để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thì các DN phải đảm bảo được việc thuận lợi hóa thương mại. Nói về vấn đề này, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, vấn đề thuận lợi hóa thương mại là lợi ích tiềm ẩn. Tuy nhiên nó cũng sẽ là thách thức tiềm ẩn nếu không biết xử lý phù hợp. Thuận lợi hóa thương mại giúp việc giảm thời gian và chi phí kinh doanh cho các DN.

Theo ông Khanh, nó tích cực hơn so với cắt giảm thuế quan rất nhiều. Cắt giảm thuế quan chỉ đóng góp 0,7% GDP, thuận lợi hóa thương mại có thể giúp tăng GDP hơn 6 lần. Ngoài ra, thuận lợi hóa thương mại giúp tăng thương hại hơn 40% so với cắt giảm thuế quan.“Cái gì cũng bế tắc nhưng thuận lợi hóa thương mại không bế tắc và được sự đồng thuận cao.Không một quốc gia nào từ nghèo nhất đến giàu nhất phản đổi vấn đề này”, ông Khanh khẳng định.

Nhìn từ góc độ ngành dệt may, nếu là một DN không gia nhập WTO thì thuế quan áp dụng đối với hàng may mặc thành phẩm bằng 150% so với thành viên WTO. Nếu gia nhập WTO, thì thuế quan áp dụng với ngành hàng này trung bình là 25%. Tuy nhiên, nếu tham gia Hiệp định FTA, thuế quan áp dụng chỉ khoảng 0-5%. Theo đó, ông đề nghị các đơn vị phải thay đổi tư duy kinh doanh, tư duy quản lý.Hải quan nên coi DN là đối tác, hỗ trợ cho họ chứ không phải kiểm soát. Còn về phía DN cần phải làm thật, ăn thật.

Việc thuận lợi hóa thương mại chịu sự chi phối rất lớn từ ngành Hải quan.Vì vậy muốn thuận lợi hóa thương mại đạt kết quả cao cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng với ngành Hải quan. Nói về vấn đề này, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý về Hải Quan, Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, ngành hải quan cũng đã thực hiện cải cách thủ tục hải quan tạo thuận lợi thương mại. Cụ thể Cục đã thực hiện điện tử hóa các giao dịch giữa hải quan và DN. Cục đã thay đổi phương thức khai, nộp hồ sơ; thời gian giải quyết các thủ tục; giám sát hải quan tự động tại cảng biển, cảng hàng không. Mục tiêu hướng đến góp phần giảm tiếp xúc giữa công chức hải quan và DN, giảm phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực phát sinh. Đồng thời giảm thủ tục, chi phí in ấn chứng từ, chi phí đi lại cho DN. Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện cơ sở pháp lý. 

Đọc thêm