Thảm họa kinh hoàng biến một thủ đô thành nghĩa địa khổng lồ

(PLO) -Trận động đất Haiti năm 2010 là một trong những thảm kịch của nhân loại, diễn ra vào ngày 12/1/2010 trên đảo Tây Ấn của Hispaniola, ảnh hưởng nặng nề đến quốc đảo Haiti và cả Cộng hòa Dominica. Con số mà chính phủ ước tính là khoảng 300.000 người thiệt mạng, nhưng trên thực tế, con số ấy phải lên đến 500.000 người. 
Những khung cảnh đổ nát, khổ đau của thảm họa động đất Haiti năm 2010.

Biến thủ đô của Haiti thành nghĩa địa khổng lồ

Haiti là một quốc gia bé nhỏ trong khu vực biển Caribbe, nằm ở phần tây hòn đảo Haiti (phần đông của hòn đảo này là nước cộng hòa Dominica). Dân số Haiti chỉ ở mức trên 10 triệu người, trong đó có tới cả triệu người di cư sang nước ngoài, chủ yếu là Mỹ.

Haiti “nổi tiếng” thế giới vì nghèo đói, thiên tai và các cuộc đảo chính liên miên. Chính vì thế mà thảm họa thiên nhiên khủng ngày 12/1/2010 dường như lại càng khiến cho Haiti rơi vào tình cảnh khốn đốn, biến thủ đô Porte-au-Prince thành một nghĩa địa khổng lồ. 

Trận động đất 7 độ richter xảy ra lúc gần 5h chiều 12/1 (giờ địa phương) và tiếp sau đó là hai đợt dư chấn với cường độ 5,9 và 5,5 độ richter.

Trung tâm của trận động đất ở cách thủ đô Porte-au-Prince 59 km về phía Tây, ở độ sâu 22 km trong lòng đất. Không chỉ dừng lại tại đó, những trận dư chấn vẫn tiếp tục diễn ra trong những ngày tiếp theo, trong đó có dư chấn với cường độ 5,9 độ Richter vào ngày 20/1 tại Petit Goâve, một thị trấn khoảng 35 dặm (55 km) về phía tây của thủ đô Port-au-Prince.

Đến 24/1, có thêm ít nhất 52 cơn dư chấn có có cường độ 4,5 hoặc lớn hơn đã được ghi nhận khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng.  

Hậu quả kinh hoàng

Trận động đất hầu như “cào bằng” mọi thứ ở thủ đô Haiti. Ban đầu, số người chết được thống kê chỉ khoảng 300 nghìn người, nhưng trên thực tế con số ấy phải lên đến 500 nghìn người. Chính phủ Haiti ước tính, khoảng 3 triệu người chiếm tới gần 1/3 dân số bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất.

Trong số đó, hơn 1 triệu người mất nhà cửa, rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, không có đồ ăn thức uống và điều kiện sinh hoạt. Người sống sót tuyệt vọng kêu cứu, van xin, tranh cướp thực phẩm, nước uống, thuốc men... Những người bị thương thì chết dần mòn trong bệnh viện vì không đủ phương tiện cấp cứu.

Suốt đêm sau trận động đất, nhiều người dân ở Haiti đã ngủ trên các đường phố, trên vỉa hè, trong xe của họ hoặc trong các lều tạm do nhà cửa bị phá hủy hoặc họ sợ các tòa nhà không đứng vững trong dư chấn.

Chính vì những thiếu thốn này mà 4.000 người Haiti đã rơi vào tình trạng tàn tật, cụt tay chân vì không được chăm sóc kịp thời. Xác chết được xếp chồng lên nhau trên đường phố.  

Một nguyên nhân nữa dẫn đến hậu quả khủng khiếp này là sự thiếu kinh nghiệm trong việc cứu hộ của chính phủ. Trong điều kiện khoa học kĩ thuật kém phát triển, việc dự báo trước một trận động đất bất ngờ và khủng khiếp như vậy là quá sức với quốc gia này. Những nỗ lực cứu trợ ban đầu vấp phải khá nhiều cản trở do các cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy.

Cảng chính của quốc đảo không thể hoạt động trong vài ngày, trong khi đó ở nội địa các con đường bị phá hủy, nhiên liệu để vận hành các xe chở hàng hóa cũng bị cạn kiệt. Chính những điều này đã khiến hàng trăm ngàn người dân Haiti đói khát đang tuyệt vọng chờ đợi để được giúp đỡ.

Nạn cướp bóc hoành hành và nhiều nơi, người dân đã xung đột với những nhân viên phân phát đồ cứu trợ. Nhiều người Haiti đang tìm cách ra khỏi thành phố với hy vọng kiếm được thức ăn, nơi trú ẩn, tránh những cơn dư chấn và bạo lực.

Trên đường phố, cảnh sát phải dùng đạn hơi cay để giải tán các đám đông đã trở nên bấn loạn do thiếu lương thực và nước uống. 

Khoảng 250.000 nhà ở và 30.000 tòa nhà thương mại đã sụp đổ hoặc bị hư hại nghiêm trọng. Hàng ngàn ngôi nhà, trường học và bệnh viện đã bị phá hủy hoàn toàn.

Ngay cả công trình được cho là chắc chắn và đẹp nhất Haiti là dinh Tổng thống cũng nhanh chóng trở thành đống hoang tàn sau cơn động đất. Về mặt kinh tế, thiệt hại ước tính sơ bộ từ khoảng 8 - 14 tỷ USD.

Nhưng đó chưa phải tất cả, thảm họa còn kéo dài đến tháng 10 năm đó, các con sông dài nhất trên quốc đảo bị ô nhiễm khiến dịch tả xuất hiện và nhanh chóng lây lan trên khắp cả nước, giết đi hàng ngàn người nữa. 

Hai năm sau đó, những hậu quả mà trận động đất để lại vẫn còn khá trầm trọng, Haiti vẫn đổ nát, hoang tàn như thể động đất vừa mới xảy ra, hơn nửa triệu người vẫn phải sống trong những chiếc lều dựng tạm, nhiều người phải di cư đến nơi khác sinh sống. 

Do sự chuyển động của các mảng kiến tạo

Ban đầu, các nhà địa chấn cho rằng, nguyên nhân là do sự chuyển động của các mảng kiến tạo. Bởi, Haiti nằm ngay trên hai địa khối di chuyển kề nhau hay còn gọi là hai mảng kiến tạo địa tầng quan trọng là Bắc Mỹ và Caribean để tạo thành đới đứt gãy Enriquillo-Plantain Garden Fault.  

Không chỉ riêng quốc đảo Haiti mà toàn bộ các nước vùng Carribe đều bị kẹp chặt trong sự cọ xát của các địa tầng. Năng lượng được tích tụ dần dần qua nhiều thế kỷ và tất yếu là sẽ phải được giải phóng. Đó là nguyên nhân của nhiều vụ động đất lớn. 

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, Haiti thực sự rất kém may mắn trong vụ động đất lần này khi tâm chấn chỉ cách vùng đông dân cư (thủ đô Port-au-Prince) khoảng 15km và độ sâu chỉ là 8km.

Thông thường, độ sâu của tâm chấn động đất càng gần mặt đất thì sức tàn phá của nó càng khủng khiếp. Với những công trình kiến trúc yếu ớt ở Port-au-Prince thì độ sâu 8km thực sự là một thảm họa. Ngoài ra, các kỹ sư nói rằng không có nhiều tòa nhà ở đây có thể chịu được bất kỳ loại thảm họa nào.

Cứu trợ từ chính phủ và quốc tế

Ngay sau khi thảm họa xảy ra, chính phủ cũng đã kêu gọi cứu trợ từ cộng đồng quốc tế. Tất cả diễn ra nhanh nhất có thể bởi đây là một cuộc đua tính từng giờ một, chống chọi với cái chết, cái đói và nguy cơ dịch bệnh bùng phát. 36 giờ sau trận động đất, hàng nghìn tấn hàng viện trợ nhân đạo quốc tế đã hoặc đang trên đường đến Haiti, cùng với đó là hàng tỷ USD được chính phủ các nước và các tổ chức tài chính khác chuyển đến.

Dẫn đầu là Liên Hợp Quốc, Hội Chữ thập đỏ và các nước lân cận đã nhanh chóng gửi bác sĩ, nhân viên cứu trợ, đồ ăn, nước... tới cho quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu này. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon đã tới Haiti để bày tỏ sự ủng hộ đối với các nạn nhân, LHQ ngay lập tức gửi 10 triệu USD từ quỹ đối phó khẩn cấp để hỗ trợ Haiti, sau đó đã huy động nguồn lương thực để cấp cho ít nhất 40.000 người/ngày. 

Mỹ triển khai một trong những chiến dịch cứu trợ nhân đạo quy mô nhất từ trước tới nay. Hơn 10.000 binh lính và chuyên gia dân sự Mỹ đã có mặt tại Haiti để trợ giúp an ninh và cứu trợ.

Hai máy bay cùng với 72 nhân viên cứu hộ và hàng chục tấn thiết bị, hàng hóa cũng nhanh chóng được gửi tới Haiti.

Ngân hàng Phát triển châu Mỹ đặt trụ sở tại Washington cho biết sẽ viện trợ khẩn cấp 200.000 USD cho Haiti dùng để cung cấp thực phẩm, nước uống, thuốc men và nơi lánh nạn tạm thời cho nhân dân vùng bị thiên tai.

Nước Pháp ngay sau hôm xảy ra thảm họa cũng huy động hai máy bay chở nhân viên cứu hộ và hàng hóa tới Haiti. Khoảng 50 nhân viên cứu hộ Venezuela và nhiều tấn hàng đã có mặt.

Chính phủ Dominica cũng ngay lập tức cho một chuyên cơ của Không quân chở 20 nhân viên cứu hộ và thiết bị liên quan tới cứu trợ... Ngoài ra, Nga, Israel, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Brazil và nhiều nước khác cũng nhanh chóng gửi những thứ cần thiết cứu trợ cho Haiti.  

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới cũng đã trừ 1 tỷ USD tiền nợ cho Haiti từ năm 2009. Ngân hàng phát triển liên Mỹ cũng trừ số nợ 447 triệu USD và cam kết hỗ trợ thêm 30 triệu USD cho Haiti.

Một hội nghị các nhà tài trợ của Liên Hợp Quốc ở New York vào cuối tháng 3/2010 cũng phát động hỗ trợ Haiti 5,3 tỷ USD trong vòng hai năm tới và 9,9 tỷ USD trong ba năm sau đó để tái thiết lập lại nhà cửa, đường sá... 

Cho đến nay, thảm họa Haiti vẫn được các nhà khoa học đánh giá là trận động đất lớn nhất trong vòng 200 năm qua, có sức mạnh công phá gấp 35 lần quả bom nguyên tử từng tàn phá Hiroshima (Nhật Bản). Nỗi đau mà nó để lại có lẽ là nỗi bất hạnh và khổ đau vẫn chưa bao giờ hết nguôi ngoai đối với quốc đảo Haiti.

Đọc thêm