Không quân Ukraine ngày 27/7/2002 tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Không đoàn Số 14 tại sân bay Sknyliv, thành phố Lviv ở miền tây. Sự kiện này thu hút hơn 8.000 người đến chứng kiến màn biểu diễn nhào lộn trên không của phi đội Chim sắt Ukraine. Tuy nhiên, không ai ngờ rằng đây sẽ là thảm kịch kinh hoàng nhất trong lịch sử các cuộc biểu diễn hàng không trên thế giới.
Kế hoạch bay bất ngờ
Chim sắt Ukraine là nhóm bay biểu diễn được thành lập từ năm 1995, quy tụ những phi công giỏi nhất của Ukraine. Trong sự kiện ở sân bay Sknyliv, họ sử dụng tiêm kích Su-27, dòng máy bay hai động cơ được đưa vào biên chế không quân Liên Xô từ năm 1985 và thường được sử dụng để bay biểu diễn tại các triển lãm hàng không lớn trên thế giới.
Trước đó, vụ tai nạn lớn nhất trong lịch sử biểu diễn hàng không là sự cố tại Hội chợ Hàng không quốc tế tổ chức ở Căn cứ quân sự Ramstein của Mỹ trên lãnh thổ Tây Đức vào ngày 28/8/1988. Khi đó, một số máy bay phản lực Aermacchi MB-339 của đội bay biểu diễn Greece Tricolori đến từ Italy đã va chạm nhau rồi lao vào khán giả bên dưới, khiến 67 người cùng 3 phi công thiệt mạng và khoảng 400 người bị thương.
Sau thảm họa này, ban tổ chức các chương trình biểu diễn hàng không trên khắp thế giới đã sắp xếp lại chỗ ngồi của khán giả ra xa khu vực bay biểu diễn. Phi công bay biểu diễn cũng được yêu cầu phải xác định trước kế hoạch bay để tránh bay vào khu vực phân định với khán giả hoặc bay ngang qua hàng rào khán giả hay bãi đỗ xe.
Tuy nhiên, tại sự kiện ở Sknyliv, mọi thứ đã thực sự đi quá giới hạn tưởng tượng của bất kỳ ai.
Trung tá Vladimir Toponar và phi công phụ Yuriy Yegorov điều khiển tiêm kích Su-27UB bay song song với một chiếc khác vào ngày định mệnh đó. Lúc 12h40, ghi âm đàm thoại giữa phi công và kiểm soát viên không lưu vẫn diễn ra bình thường, khi họ thông báo cho nhau về độ cao của máy bay, thời tiết, tầm nhìn...
Tuy nhiên, đến 12h43, khi máy bay bắt đầu biểu diễn, hai phi công nhận thấy có dấu hiệu bất thường. Quan sát từ trên máy bay, cả Vladimir và Yuriy đều không thấy khán giả ở bên phải đường bay như thường lệ. Khi máy bay rẽ trái, họ nhận ra khán giả đứng ở cả hai bên đường băng, hạn chế đáng kể khả năng cơ động của phi công.
Một phi công thương mại làm việc ở sân bay Sknyliv sau này tiết lộ với tờ Ukrainian Weekly rằng ban tổ chức đã chuyển địa điểm tổ chức chương trình bay biểu diễn vào phút chót. Một phi công vốn nằm trong kế hoạch bay biểu diễn hôm đó đã xin rút lui với lý do công tác chuẩn bị của ban tổ chức chưa chu đáo.
Xem lại đoạn băng quay chậm, một phi công bay biểu diễn nói rằng đội hình của phi đội Chim sắt Ukraine đáng lẽ phải bay song song với khán giả, thay vì bay ngay trên đầu họ như trong thực tế.
Nhưng chương trình vẫn diễn ra theo kế hoạch và đến 12h45, nó trở thành thảm họa.
Khi thực hiện một động tác ngoặt trái, chiếc tiêm kích Su-27UB của Vladimir và Yuriy đột nhiên xoay vòng và mất độ cao. Kiểm soát viên không lưu lệnh cho phi công tăng tốc và lấy lại độ cao, trong khi hệ thống cảnh báo trong buồng lái vang lên, cho biết máy bay đang ở góc tấn nguy hiểm và lực quá tải nguy hiểm.
Khi phi công tìm cách lấy lại độ cao cho chiếc Su-27UB, cánh trái máy bay nghiêng xuống và quệt vào một ngọn cây bên dưới.
Tiêm kích của phi đội biểu diễn Chim ưng Ukraine. |
Chiếc tiêm kích lao xuống đất, trượt trên đường băng rồi va chạm với một chiếc máy bay vận tải II-76 đang đỗ trước khi lăn vòng về phía đám đông khán giả đang hoảng loạn. Chiếc máy bay phát nổ thành một quả cầu lửa khổng lồ, bắn ra vô số mảnh vỡ và xăng cháy vào khán giả.
Hai phi công kịp phóng ghế thoát hiểm đúng một giây sau khi máy bay đâm xuống đất và may mắn sống sót. Tuy nhiên, 77 khán giả, trong đó có 27 trẻ em, đã thiệt mạng vì trúng mảnh văng và bị thiêu cháy, 543 người bị thương trong thảm họa.
Hình ảnh cậu bé Yuri Motuziuk đứng khóc bơ vơ trên đường băng với tro bụi phủ đầy người, trong khi bố mẹ cậu thiệt mạng trong đám cháy, được phát trên truyền hình Ukraine đã khiến dư luận nước này xúc động mạnh mẽ.
Báo cáo điều tra
Cuộc điều tra được tiến hành sau đó cho rằng phi công chiếc tiêm kích Su-27UB đã tìm cách thực hiện động tác biểu diễn mạo hiểm ở độ cao quá thấp. Họ cũng chỉ ra rằng quá trình bảo dưỡng máy bay trước đó đã làm động cơ bên trái của máy bay thấp hơn so với vị trí ban đầu của nó, nhưng khẳng định vấn đề này không liên quan đến vụ tai nạn.
Hai phi công cũng bị chỉ trích vì trong tình huống khẩn cấp lại phản ứng quá chậm khi đã có tín hiệu cảnh báo trong buồng lái.
Tuy nhiên, cả Vladimir và Yuriy đều khẳng định kế hoạch bay mà họ nhận được không khớp với thực tế. Vladimir cho biết trước khi sự kiện diễn ra, anh đã đề nghị được tập thêm tại sân bay Sknyliv nhưng bị từ chối với lý do tài chính.
Báo cáo điều tra được hoàn thành vào cuối năm 2002. Mặc dù các chi tiết không được công khai, các điều tra viên đã quy trách nhiệm vụ tai nạn cho hai phi công và chuyển hồ sơ cho tòa án.
Tòa án Ukraine năm 2005 tuyên án 14 năm tù và phạt 7,2 triệu hryvnia (tương đương 1,42 triệu USD lúc bấy giờ) với phi công Vladimir, 8 năm tù và mức phạt 2,5 triệu hryvnia với Yuriy vì tội không tuân theo mệnh lệnh cấp trên, sơ suất và vi phạm quy tắc bay.
Hai quan chức quân sự cấp cao và một viên chức phụ trách an toàn bay cũng bị phạt 4-6 năm tù với các tội danh không dừng chuyến bay kịp thời khi phát hiện có sự cố và không bảo đảm khoảng cách an toàn giữa khu vực bay và khu vực khán giả cho màn bay biểu diễn dẫn đến sự cố trên.
Tòa cũng quyết định gia đình các nạn nhân thiệt mạng sẽ nhận được khoản tiền bồi thường tương đương 200.000 USD và những người bị thương sẽ nhận được khoản tiền thấp hơn, tùy theo mức độ thương tổn.
Vladimir sau đó đệ đơn kháng cáo bởi theo phi công này, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn là do các vấn đề kỹ thuật và kế hoạch bay. Vladimir cũng cáo buộc phán quyết của tòa án chỉ dựa vào kết quả điều tra từ chính phủ, tuy nhiên Tòa án Tối cao Ukraine bác toàn bộ đơn kháng cáo vào năm 2008.
Theo kênh truyền hình Zakhidna Informatsiyna Korporatsiya của Ukraine, các bị cáo vẫn phải chấp hành án phạt, nhưng được tha tù trước thời hạn. Trong đó, Yuriy ra tù năm 2008, còn Vladimir được trả tự do vào cuối năm 2013.
Aaron Knowles chỉ mới ba tuổi khi chứng kiến thảm họa hai máy bay biểu diễn của Italy đâm nhau trên bầu trời căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Kaiserslautern, Đức ngày 28/8/1988. Hình ảnh hai quả cầu lửa lao xuống hàng nghìn người xem bên dưới mãi mãi ám ảnh tâm trí anh.
"Tôi nhớ những ngọn lửa, những tiếng la hét", Aaron nói. Anh bất lực đứng nhìn cha anh, một trung sĩ không quân Mỹ khi đó lao về phía ngọn lửa và kéo ra một người đàn ông bị thương nặng ở cánh tay. "Tôi không nhớ tay ông ấy có còn hay không, tôi chỉ nhớ máu".
"Khi tôi kể với mẹ, bà nói rằng tôi còn quá bé để nhớ rõ vụ tai nạn nhưng sự thật là tôi không thể nào quên được những gì xảy ra ngày hôm đó", Aaron chia sẻ. Mẹ Aaron thường nhớ đến hình ảnh "quả cầu lửa nhấn chìm hai hàng khán giả phía trước và bà chỉ biết ôm lấy các con bỏ chạy thật nhanh.
"Tôi tìm thấy hai phi công gặp nạn, sau đó gọi cho trực thăng cứu hộ đến hiện trường, đưa một thi thể ra ngoài và hỗ trợ lực lượng cứu hộ cùng nhân viên y tế", cha Aaron nhớ lại.