Thảm họa vỡ đập Kakhovka và cục diện xung đột Nga-Ukraine

Thảm họa vỡ đập Kakhovka không những ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người dân, hệ sinh thái và môi trường mà còn là yếu tố làm xoay chuyển cục diện cuộc xung đột đang leo thang khốc liệt và rất khó đoán định tại Ukraine.

Đập thủy điện Nova Kakhovka trên sông Dnipro “bị phá hủy” rạng sáng 6/6 đã thu hút sự chú ý của dư luận (Nguồn: theTimes.co.uk)

Rạng sáng 6/6, thông tin về con đập thủy điện Nova Kakhovka trên sông Dnipro “bị phá hủy” đã làm dư luận sửng sốt, thu hút sự chú ý toàn cầu.

Sau khi vụ việc, Ukraine và Nga liên tục tung ra các cáo buộc là thủ phạm gây ra vụ vỡ đập một cách có chủ đích. Tuy nhiên, cho đến nay không bên nào đưa ra được bằng chứng thuyết phục.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố “Nga đã cài mìn và cho nổ tung con đập”. Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, vụ vỡ đập Kakhovka là hành vi phá hoại có chủ ý của Ukraine…

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia tuyên bố tại phiên họp khẩn ngày 6/6 tại Hội đồng Bảo an rằng: “Hành động phá hoại do Kiev thực hiện có 2 mục tiêu rõ ràng. Thứ nhất là để thu hút tối đa sự chú ý nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho việc tái tập hợp các đơn vị để tiếp tục cuộc phản công mà họ đã công khai rộng rãi. Mục tiêu thứ hai là gây ra thiệt hại nhân đạo tối đa đối với dân số của các vùng lãnh thổ rộng lớn, hậu quả không thể tránh khỏi của việc phá hủy một cơ sở hạ tầng lớn về năng lượng và nguồn nước”.

Trước khi con đập bị vỡ, cả Moscow và Kiev đều nói rằng có những âm mưu nhằm vào đập Kakhovka sắp xảy ra. Giới chức Ukraine tuyên bố, Nga muốn tạo ra tình trạng khẩn cấp tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nơi sử dụng nước sông để làm mát, nhằm ngăn chặn các cuộc phản công dự kiến của Ukraine...

Đập Kakhovka nằm trong phần lãnh thổ do Nga kiểm soát gần thành phố Kherson. Các lực lượng Nga đã chiếm được thành phố Kherson của Ukraine vào tháng 3/2022, nhưng một cuộc phản công thành công của lực lượng Ukraine hồi tháng 11/2022 đã chiếm lại được thành phố. Hiện quân đội Nga rút lui về bờ Nam sông Dnipro và kiểm soát vùng lãnh thổ có đập thủy điện Kakhovka, trong khi Ukraine kiểm soát các vùng lãnh thổ ở phía Bắc sông Dnipro.

Tầm quan trọng chiến lược của con đập

Đập thủy điện Nova Kakhovka được xây dựng vào tháng 9/1950 và hoàn thành vào tháng 10/1956. Đập Kakhovka nằm trên sông Dnipro, hay còn gọi là Dnieper, cách khoảng 45 km về phía Đông thành phố Kherson của Ukraine. Đập Nova Kakhovka cao 30 mét và dài 3,2 km, có sức chứa khoảng 18 Km3 nước.

Năm 2019, con đập này đã được mở rộng và sửa chữa lớn. Hồ chứa nước của đập là nguồn cung cấp nước chính làm mát cho 6 lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP) lớn nhất châu Âu với công xuất 5,7 GW. Nước từ đập Kakhovka cũng là nguồn cung cấp cho một nhà máy thủy điện khác ở Kakhovka và là nguồn nước tưới tiêu cho các khu vực rộng lớn phía Đông Nam Ukraine và phía Bắc Crimea thông qua hệ thống kênh Bắc Crimea, kênh Kakhovsky và kênh Dnieper.

Nước thoát ra từ hồ chứa nước Kakhovka sau khi con đập bị vỡ đã gây ngập lụt diện rộng (Nguồn: AP)

Hệ lụy đối với người dân và môi trường

Theo APReuters, cho đến ngày 10/6, đã có ít nhất 13 người chết, 213 người bị thương, ít nhất 80 thị trấn và khu dân cư đã phải sơ tán với khoảng 22.000 người sống ở các khu vực có nguy cơ lũ lụt trong lãnh thổ do Nga kiểm soát và 16.000 người ở vùng đất do Ukraine kiểm soát. Ngoài ra trên 17.000 người bị ảnh hưởng và khoảng 60.000 ha bị nhấn chìm trong nước.

Vụ vỡ đập cũng làm cho nguồn cung cấp nước sạch trong khu vực bị ô nhiễm, gây ra hậu quả xấu đến môi trường. Theo tờ Guardian, chỉ một ngày sau khi con đập bị vỡ, nước đã ngập sâu đến 3,5 và tăng thêm từ 5 đến 8 cm sau mỗi 30 phút ở các khu vực trũng.

Phát biểu qua video tại hội nghị của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) diễn ra tại Paris, Pháp, ngày 7/6, Thủ tướng Ukraine Shmyhal cho biết, hàng chục thị trấn và làng mạc sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung nước uống.

Ngập lụt do vụ vỡ đập gây ra khiến các cánh đồng ở khu vực hạ lưu sẽ phải đối mặt với nguy cơ mùa màng bị tàn phá trước mắt. Còn về lâu dài, khoảng 0,5 triệu mẫu đất nông nghiệp màu mỡ phụ thuộc vào hồ chứa Kakhovka để tưới tiêu có thể sẽ biến thành sa mạc, tác động nghiêm trọng đối với sản xuất lương thực trong vùng và an ninh lương thực toàn cầu.

Ngay sau khi tin con đập bị vỡ, giá lúa mì trên thị trường xuất khẩu đã tăng 3% do lo ngại chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu bị đứt gãy bởi Ukraine là một trong những nước trồng và xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới.

Vụ vỡ đập cũng khiến dư luận lo ngại về một thảm họa hạt nhân bởi hồ chứa nước của con đập này cũng là nguồn cung cấp nước làm mát chính cho 6 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia gần đó.

Mặc dù Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đã nhấn mạnh rằng, nhà máy này có các biện pháp khác để giữ cho các lò phản ứng và thanh nhiên liệu nguội trong ít nhất vài tháng tới nhưng những lo ngại về một thảm họa hạt nhân là không thể loại trừ.

Với diện tích rộng lớn bị nhấn chìm trong nước, hệ sinh thái và động, thực vật trong vùng sẽ bị tàn phá nghiêm trọng, đặc biệt đối với các hệ sinh thái ở vùng hạ lưu con đập, bao gồm Khu Dự trữ sinh quyển Biển Đen và Công viên Tự nhiên quốc gia Oeshky Sands. Theo thông tin ban đầu của Bộ Quốc phòng Ukraine, tình trạng ngập lụt đã giết chết khoảng 300 con vật tại vườn thú Nova Kakhovka, chỉ có vịt và thiên nga là có thể sống sót…

Bên cạnh tác hại của ngập lụt, việc Nhà máy Thủy điện Kakhovka kết nối với đập trên Dnepr đã bị hư hại nghiêm trọng khiến hàng tấn dầu và hóa chất đã tràn ra và trôi theo dòng nước, phát tán vào môi trường…Theo Thủ tướng Ukraine Shmyhal, đập Kakhovka bị vỡ đã khiến ít nhất 150 tấn dầu động cơ tràn ra sông Dnipro và nguy cơ sẽ có thêm 300 tấn dầu nữa rò rỉ.

Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã gọi trận lũ lụt do vỡ đập là một "thảm họa sinh thái" bên cạnh những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của toàn khu vực. Tổng Thư ký LHQ cho biết, hiện Liên Hợp quốc đang phối hợp với chính phủ Ukraine để gửi hỗ trợ nước uống và dụng cụ lọc nước và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.

Vụ vỡ đập khiến lực lượng chức năng Ukraine phải sơ tán hàng chục ngàn người dân khỏi khu vực ngập nước. (Nguồn: Reuters).

Phản ứng quốc tế

Sau vụ việc, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, tổ chức này không có bất kỳ thông tin độc lập nào về vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka, song mô tả đây là “một hậu quả tàn khốc khác" của cuộc xung đột Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên án mạnh mẽ vụ việc, nói rằng việc phá hủy con đập thể hiện "sự tàn bạo trong cuộc xung đột Nga-Ukraine".

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, hành động này được coi là "tội ác chiến tranh" cho dù ông không nói ai là thủ phạm.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đổ lỗi cho Nga về vụ tấn công, nói rằng, động thái đáng lo ngại từ lâu này thể hiện một khía cạnh mới trong cuộc xung đột.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez viết trên Twitter: “Chúng tôi lên án việc phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự, vì điều này vi phạm luật nhân đạo quốc tế.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 6/6, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân bày tỏ "mối quan ngại lớn về việc phá hủy đập tại nhà máy thủy điện Kakhovka, kêu gọi kiềm chế tối đa, tránh những phát ngôn và hành động có thể leo thang đối đầu và dẫn đến tính toán sai lầm, đồng thời duy trì sự an toàn và an ninh của Nhà máy Điện hạt nhân Zaporizhzhia".

Cùng ngày 6/6, Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị hỗ trợ Ukraine trong việc giải quyết hậu quả của vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka trên sông Dnipro ở Kherson.

Thay đổi cục diện xung đột ở Ukraine?

Kherson từ lâu đã được coi là mục tiêu tiềm năng đối với cuộc phản công của Ukraine. Nga kiểm soát Kherson từ năm 2022, không lâu sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Sau đó Nga đã rút lui khỏi thành phố Kherson và thiết lập phòng thủ bên bờ Đông sông Dnipro, trong khi Ukraine kiểm soát khu vực ở bờ Tây con sông. Sông Dnipro, nơi đập Kakhovka nằm vắt ngang, hiện đóng vai trò như một ranh giới tự nhiên chia cắt các vùng do Nga và Ukraine kiểm soát.

Ukraine trước đây nhiều lần cảnh báo rằng, Nga có thể đang lên kế hoạch cho nổ tung con đập, trong khi Moscow cũng đưa ra cảnh báo tương tự về Ukraine. Christopher Tuck, một chuyên gia về xung đột và an ninh tại Đại học King's College London, cho rằng: “Vụ vỡ đập có thể mang lại lợi thế cho Nga vì Moscow đang ở thế phòng thủ chiến lược còn Ukraine đang ở thế tấn công. Kiev chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn băng qua con sông do nước lũ dâng cao”.

Ông Michael A. Horowitz, người đứng đầu bộ phận tình báo của công ty tư vấn Le Beck nhận định: “Đập Kakhovka bị vỡ sẽ khiến nỗ lực vượt sông của Ukraine gặp trở ngại, thậm chí không thực hiện được. Đồng thời việc con đập bị vỡ gây ngập lụt sẽ làm giảm diện tích chiến tuyến mà quân đội Nga cần phải bảo vệ”.

Cho đến nay, Nga bác bỏ mọi cáo buộc mà Ukraine và phương Tây đưa ra, đồng thời tố Kiev phá hủy con đập để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi cuộc phản công lớn. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng Kiev có thể lợi dụng vụ vỡ đập để chuyển các đơn vị của họ từ tiền tuyến Kherson đến những nơi cần thiết hơn.

Một số blogger quân sự Nga cho rằng, vụ vỡ đập sẽ có lợi cho Ukraine vì các khu vực do Moscow kiểm soát sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nước lũ sẽ phá vỡ những bẫy mìn và gây hư hại các vị trí tiền tuyến của Nga khiến hệ thống phòng thủ mà họ đã dày công xây dựng trong nhiều tháng qua sẽ bị ảnh hưởng một phần.

Còn theo chuyên gia Michael A. Horowitz, việc đập Kakhovka bị vỡ sẽ khiến cả hai bên mất đi một số lợi thế. “Một số tuyến phòng thủ mà quân đội Nga xây dựng dọc bờ biển sẽ bị lộ và điều này chắc chắn tác động đến các khu định cư ở những vùng do Nga kiểm soát. Còn đối với Ukraine, điều này sẽ dẫn đến thảm họa môi trường và nguy cơ mất đi một trong những nguồn năng lượng chính ở phía Nam”.

Vẫn còn quá sớm để xác định vụ vỡ đập ảnh hưởng ra sao đến cuộc phản công của Ukraine. Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, vụ việc có thể cản trở các cuộc tấn công trên bộ và buộc lực lượng Ukraine phải tập trung sự chú ý cũng như mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả.

Ngay cả trước khi vụ vỡ đập xảy ra, sông Dnipro vẫn được coi một chướng ngại vật đáng kể đối với các lực lượng Ukraine. Họ sẽ phải tìm cách vượt qua con sông này bằng thuyền, trên cầu vượt hoặc cầu phao hay trực thăng. Tất cả các phương tiện đó đều có nguy cơ bị tấn công, nay cộng thêm với vụ vỡ đập, thì khả năng phản công của Ukraine sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Đọc thêm